Tại Hội nghị chuyên đề về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp diễn ra sáng 15/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hội nghị này có ý nghĩa quan trọng, góp phần để Chính phủ điều hành kinh tế - xã hội trong tình hình hiện nay.
Người dân, doanh nghiệp còn chịu nhiều "chi phí đầu vào"
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương nỗ lực, kết quả mà các cấp, các ngành đạt được trong cải cách TTHC, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, song ông cũng yêu cầu phải nhìn nhận thẳng thắn vào các tồn tại, hạn chế cần được sớm khắc phục để công tác này thực chất, hiệu quả hơn.
Theo đó, một số lãnh đạo các cấp chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho cải cách TTHC; hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành; nhiều nơi triển khai còn hình thức. Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, nhất là các sở, ngành có nơi, có lúc còn lúng túng, bị động, thiếu chặt chẽ, hiệu quả.
TTHC trong một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, gây bức xúc trong xã hội (nhất là lĩnh vực liên quan đến đất đai, giáo dục, y tế, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu…).
Ngoài ra, việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh chưa được quan tâm thực hiện đúng mức, chưa huy động được sự tham gia tích cực của hiệp hội, doanh nghiệp, người dân trong quá trình cải cách. Nhiều Bộ, ngành chưa có phương án cải cách quy định. Người dân, doanh nghiệp còn phải chịu nhiều chi phí đầu vào không cần thiết.
Thủ tướng nhấn mạnh, một số Bộ, ngành, địa phương chậm ban hành quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC và chỉnh sửa phần mềm giải quyết TTHC; dịch vụ công trực tuyến được cung cấp chưa thân thiện với người dùng; tỉ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa cao. Tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến năm 2020 chỉ đạt 1,78%, năm 2021 đạt 9,51%; 8 tháng năm 2022 mới đạt trên 18%.
Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng như việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu…
Cần cương quyết loại bỏ lợi ích cục bộ
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm chỉ đạo, theo đó, cần có cách tư duy, phương pháp tiếp cận, lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa với các cấp lãnh đạo, đặc biệt là cấp trực tiếp tiếp xúc, làm việc với người dân và doanh nghiệp; kế thừa, phát huy kết quả đạt được, bài học hay, kinh nghiệm quý; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nỗ lực đột phá vươn lên.
Thủ tướng cho biết, nếu không nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành thì chúng ta sẽ tụt hậu trong lúc chúng ta phải tận dụng mọi thời cơ để vươn lên.
Đặc biệt, cần phát huy tinh thần chủ động, tính sáng tạo, cương quyết loại bỏ lợi ích cục bộ; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia xây dựng và phát triển của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, người dân; với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực" và "lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả thực hiện".
Thủ tướng lưu ý, cải cách TTHC, hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; nói đi phải đi đôi với làm và phải có kết quả cụ thể, thực chất, không hình thức; tạo ra sự thân thiện, chia sẻ giữa cơ quan quản lý với người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC nói riêng và cải thiện quan hệ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước với người dân, doanh nghiệp…
Cuối năm 2023, tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến phải đạt 50%
Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng yêu cầu, trước hết, các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Ngoài ra, các cơ quan liên quan cần rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước ngày 30/9 hằng năm; cập nhật đầy đủ, chính xác và công khai kịp thời quy định kinh doanh, chi phí tuân thủ, phương án cải cách trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Thực hiện việc tham vấn người dân, doanh nghiệp về quy định, vướng mắc, khó khăn và phương án cải cách trên hệ thống này…
Thủ tướng lưu ý xã hội hóa một số công đoạn trong tiếp nhận, trả kết quả TTHC, hỗ trợ việc thực hiện TTHC tại Bộ phận một cửa các cấp để tất cả mọi người dân, nhất là những người yếu thế, ở vùng nông thôn, biên giới, hải đảo có thể làm được dịch vụ công trực tuyến.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong thực hiện TTHC, trong đó đến năm 2023 đạt trên 80%, năm 2025 đạt trên 90% mức độ hài lòng. Tỉ lệ giải quyết đúng hạn tại Trung tâm phục vụ hành chính công phải đạt trên 90%.
Đến cuối năm 2023, tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến phải đạt 50%. Mục tiêu trước mắt là mỗi gia đình sẽ có ít nhất một thành viên có thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Về lâu dài, chúng ta phải giúp người dân, doanh nghiệp thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi thực hiện các dịch vụ hành chính công từ trực tiếp sang trực tuyến.
Phấn đấu đến giữa năm 2023, có 5 Bộ, ngành và 10 địa phương hoàn thành xây dựng Bộ Chỉ số điều hành đưa vào hoạt động và tích hợp thông tin, dữ liệu với Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan, địa phương. Trong đó, Bộ Công an đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu đã được xác định. Đồng thời, những dịch vụ công nào nâng được lên mức độ 4 thì phải thực hiện ngay, những dịch vụ nào chưa hoàn thành thì tập trung thực hiện…