Yêu cầu này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập trong Chỉ thị số 12 vừa ban hành, về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Dù kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng, song Thủ tướng lưu ý một số thách thức từ bên trong như vấn đề tỷ giá, áp lực lạm phát có xu hướng tăng; hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn; các thị trường tài chính, tiền tệ cần theo dõi kỹ lưỡng…
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trong đó, ông lưu ý nắm chắc tình hình thị trường, cân đối cung cầu, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường, giá, nhất là đối với xăng, dầu, các hàng hóa thiết yếu, nhà ở và lương thực, thực phẩm.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính thúc đẩy và kiểm soát phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả các thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
"Khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong năm 2024", Chỉ thị nêu rõ.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước được giao điều hành linh hoạt, hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá; chủ động thực hiện giải pháp can thiệp điều hành thị trường vàng trong nước để bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh.
Theo yêu cầu của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước cần quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, giao dịch trên thị trường, khắc phục ngay, hiệu quả tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế ở mức cao.
"Kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, buôn lậu, thổi giá vàng, đồng thời điều tiết kịp thời, hiệu quả, đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp, người dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội, Thủ tướng lưu ý định hướng đầu tư không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện, giải ngân và đúng quy định pháp luật về đầu tư công.
Bên cạnh đó, ông chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, có chế tài xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành.
Trong đó, Bộ Tài chính được giao nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng việc gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước. Việc này cần thực hiện trong tháng 5.
Bộ Công Thương chủ động có các biện pháp theo thẩm quyền và quy định để đảm bảo cung ứng đủ điện, xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, tuyệt đối không để thiếu điện, thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.
Người đứng đầu Chính phủ đồng thời yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo giảm mặt bằng lãi suất cho vay; chủ động có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế hiệu quả, khả thi, kịp thời; thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội.