Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 19 đến 21/5, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao.
Đây là lần thứ 3 Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng định G7 mở rộng. Trước đó, tháng 5/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Thượng định G7 mở rộng tại Nhật Bản và tháng 6/2018 dự Hội nghị Thượng định G7 mở rộng tại Canada.
Việt Nam là một trong hai nước Đông Nam Á được Nhật Bản mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay. Sự tham dự của Việt Nam khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp cho nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hợp tác, duy trì tăng trưởng và giải quyết các thách thức chung của cộng đồng quốc tế.
Hội nghị Thượng đỉnh G7 được tổ chức hàng năm ở cấp Người đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ các thành viên và do nước chủ tịch (theo luân phiên) đăng cai. Hội nghị tập trung trao đổi, thúc đẩy, giải quyết các vấn đề toàn cầu từ kinh tế, chính trị đến xã hội. Tài chính, tăng trưởng, công nghệ, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, dịch bệnh, bình đẳng giới, các điểm nóng, xung đột trên toàn cầu… là những nội dung sẽ được trao đổi tại hội nghị.
Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7, với sự tham dự của các nước và tổ chức quốc tế khách mời, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự tham dự và đóng góp của các nước đang phát triển, đẩy mạnh quan hệ đối tác của G7 với các nước đang phát triển trong giải quyết thách thức toàn cầu.
Khách mời của Hội nghị Thượng định G7 mở rộng năm nay gồm lãnh đạo cấp cao của 8 quốc gia: Việt Nam, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Comoros, Quần đảo Cook và Ukraine, trong đó Ukraine dự trực tuyến. Ngoài ra, Hội nghị G7 mở rộng còn có sự tham dự của 6 tổ chức quốc tế, với tư cách khách mời.
Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng gồm 3 phiên, với các chủ đề: "Hợp tác xử lý đa khủng hoảng" (tập trung vào các chủ đề lương thực, y tế, phát triển, bình đẳng giới); "Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững" (tập trung vào các chủ đề khí hậu, môi trường và năng lượng) và "Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng" (tập trung vào các chủ đề hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, hợp tác đa phương).
Dự kiến, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sẽ tham dự cả 3 phiên này.
Lần này, Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng dự kiến thông qua "Chương trình hành động Hiroshima về An ninh lương thực toàn cầu tự cường". Đây là lần đầu tiên Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng thông qua một văn kiện chung.
Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Nhật Bản là nước G7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Việt Nam đi thăm (năm 1995); nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009); nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011); nước G7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng (5/2016).
Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và cũng là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.