Thủ tướng: Quyết tâm lập 'kỷ lục mới' trong hợp tác kinh tế với Trung Quốc

Hoài Thu| 28/06/2023 15:00

Nhận định thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Trung Quốc còn rất nhiều dư địa, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quyết tâm lập kỷ lục mới trong hợp tác kinh tế.

Hơn 400 đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam, Trung Quốc trong sáng 28/6 đã có mặt tại Thủ đô Bắc Kinh để tham dự Diễn đàn hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam -Trung Quốc, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung.

Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, đây là cơ hội tốt để hai bên cùng tìm ra giải pháp giúp các nhà đầu tư có điều kiện cống hiến cho sự phát triển của hai nước.

Ông cho biết Chính phủ Việt Nam sẽ thành lập Tổ công tác chuyên biệt về thương mại và đầu tư để cùng Trung Quốc thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả hơn.

Thủ tướng: Quyết tâm lập kỷ lục mới trong hợp tác kinh tế với Trung Quốc - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc (Ảnh: Đoàn Bắc).

Thị trường 1,4 tỷ dân của Trung Quốc sẵn sàng "mở cửa" với Việt Nam

Nêu rõ mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Thủ tướng đánh giá đây là mục tiêu rất cao, thời gian không còn nhiều nên đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt.

Để thực hiện mục tiêu này, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam lưu ý cần tập trung vào các trụ cột phát triển như xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế xây dựng nền kinh tế tự chủ…

Đi đôi với các chính sách quan trọng đó là nỗ lực thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.

Về đột phá hạ tầng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết về đột phá hạ tầng, trong cuộc hội kiến chiều qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề nghị tăng cường kết nối chiến lược phát triển đường sắt, đường bộ và hạ tầng cửa khẩu. Ông mong muốn hai bên tăng cường kết nối chiến lược phát triển.

Với đột phá về thể chế, Thủ tướng chia sẻ ấn tượng với việc Trung Quốc đang xây dựng các đặc khu kinh tế với những chính sách rất đột phá, mạnh dạn. Ông cho biết Việt Nam cũng đang nỗ lực từng bước hoàn thiện thể chế.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam luôn xác định lấy con người là trung tâm, là động lực, mục tiêu, nguồn lực cho sự phát triển. "Không hy sinh công bằng xã hội, an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần", theo Thủ tướng, tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững.

Ông cũng cho rằng muốn môi trường đầu tư ổn định thì phải ổn định chính trị, đảm bảo vững chắc an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và đảm bảo các lợi ích lâu dài của nhà đầu tư.

Thủ tướng: Quyết tâm lập kỷ lục mới trong hợp tác kinh tế với Trung Quốc - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam đã ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng (Ảnh: Đoàn Bắc).

Nhắc lại mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng lưu ý lạm phát tăng cao sẽ tác động ngay đến môi trường đầu tư.

"Việt Nam ưu tiên kiểm soát lạm phát, xác định hy sinh một phần tăng trưởng", Thủ tướng nói và lưu ý phải hài hòa giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng. Bởi nếu lạm phát cao sẽ rất khó khăn và mất nhiều thời gian vực dậy nền kinh tế, song nếu kiểm soát lạm phát đến mức không tăng trưởng được cũng là sai lầm.

Trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã thực hiện một cách chắc chắn, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả.

"Tình hình biến động mà điều hành không linh hoạt sẽ lỡ mất chuyến tàu, mà đi chuyến tàu trước và chuyến tàu sau rất khác nhau bởi thời gian là vàng bạc", theo lời người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.

Nhấn mạnh động lực về xuất khẩu, Thủ tướng nhắc lại cam kết của người đồng cấp - ông Lý Cường, rằng "thị trường hơn 1,4 tỷ dân của Trung Quốc sẵn sàng chào đón các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam".

Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của Việt Nam về xuất khẩu nên lãnh đạo Chính phủ lưu ý cần nâng cao chất lượng sản phẩm của Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư

Về thương mại hai chiều và đầu tư với Trung Quốc hiện nay, Thủ tướng nhận định "còn rất nhiều dư địa để lập các kỷ lục mới".

Ông cam kết Việt Nam sẽ làm hết sức mình để hoàn thiện thể chế, hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực tốt, góp phần giảm chi phí, nâng cao chất lượng, giúp doanh nghiệp Trung Quốc yên tâm khi sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Thủ tướng: Quyết tâm lập kỷ lục mới trong hợp tác kinh tế với Trung Quốc - 3

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: Đoàn Bắc).

Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư Trung Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư ở Việt Nam, và Chính phủ Việt Nam sẽ đảm bảo môi trường đầu tư thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh với tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện và đã thực hiện phải hiệu quả để tất cả cùng thắng.

Nhất trí với điều này, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung nhận định hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc ngày càng sâu sắc, phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm.

"Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư", ông Lưu Quốc Trung nói và nhận định dư địa để hợp tác giữa hai nước còn rất lớn..

Mong muốn Việt Nam tại môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc, ông Lưu Quốc Trung đồng thời khẳng định nước này sẵn sàng cùng Việt Nam hợp tác trên tinh thần cùng thắng, cùng có lợi.

Thủ tướng: Quyết tâm lập kỷ lục mới trong hợp tác kinh tế với Trung Quốc - 4

Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc chụp ảnh cùng đại diện doanh nghiệp hai nước (Ảnh: Đoàn Bắc).

Báo cáo trước đó về tình hình đầu tư giữa hai nước, ông Đỗ Nhất  Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đang có kế hoạch mở rộng đầu tư lại Việt Nam, bởi Việt Nam có nền chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế cao, chi phí sản xuất cạnh tranh, thị trường tiềm năng và chính sách có nhiều ưu đãi…

Định hướng của Việt Nam, theo ông Hoàng, là thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ cao công nghệ tiên tiến…

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Quyết tâm lập 'kỷ lục mới' trong hợp tác kinh tế với Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO