Tối 17/9 theo giờ địa phương (sáng 18/9 giờ Việt Nam), ngay sau khi đặt chân tới San Francisco, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Mỹ.
"Cách đây 1 năm 4 tháng, cũng tại hội trường này, chúng ta đã có cơ hội gặp nhau", ông nhắc lại kỷ niệm trong chuyến công tác tới Mỹ hồi tháng 5/2022.
Cùng "gác lại quá khứ - hướng tới tương lai"
Khái quát lại tiến trình phát triển trong mối quan hệ Việt Nam và Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hai nước đi từ chiến tranh sang bình thường hóa quan hệ năm 1995. Năm 2001, Việt Nam và Mỹ ký Hiệp định thương mại và thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2013.
Đúng 10 năm sau, hai nước quyết định nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Và với việc này, Việt Nam hoàn tất thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với 5 nước thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Riêng với mối quan hệ Việt - Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh "có điểm rất riêng, rất đặc biệt".
"Chúng ta từ chấm dứt chiến tranh và hận thù để bình thường hóa quan hệ, rồi nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, đó là cả một quá trình, cũng là sự nỗ lực của cả hai bên, trong đó có đóng góp của người Việt Nam ở Mỹ", theo lời người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.
Ông cũng nhắc lại nhận định của Tổng thống Joe Biden đánh giá cộng đồng người Việt ở Mỹ là một trong những cộng đồng thành công, sáng tạo và có nhiều đóng góp tích cực cho mối quan hệ hai nước.
"Chúng ta tự hào về việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mỹ, cũng tự hào vì có cộng đồng người Việt đóng góp để mấy chục năm qua, chúng ta cùng gác lại quá khứ, hướng tới tương lai", Thủ tướng chia sẻ.
Nhắc đến tuyên bố chung khi hai nước quyết định nâng cấp quan hệ, Thủ tướng nêu rõ việc Mỹ tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. Điều này thể hiện rõ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden - Tổng thống của một cường quốc kinh tế, nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Biden, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chủ trì lễ đón chính thức và hội đàm cùng ông Biden tại trụ sở Trung ương Đảng.
"Mỹ cũng ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng. Hai từ tự cường mới được bổ sung mang nội hàm phong phú, cho thấy chúng ta phải tự đi lên bằng bàn tay khối óc, khung trời cửa biển của mình", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Ông nhận định quan hệ Việt - Mỹ không chỉ có trên tuyên bố chung mà cũng rất thực chất.
Minh chứng cho điều này, Thủ tướng cho biết hiện có 6 triệu người Việt ở nước ngoài thì riêng ở Mỹ có 2,2 triệu người. Cộng đồng người Việt tại Mỹ được đánh giá là cộng đồng thành công, sáng tạo, có nhiều đóng góp cho nước Mỹ và quan hệ hai nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho biết kim ngạch thương mại hai chiều với Mỹ năm 2022 đạt hơn 123 tỷ USD, đưa Việt Nam thành đối tác thương mại lớn của Mỹ.
Người Việt ở Mỹ mong có cơ hội đóng góp cho đất nước
Nhắc đến bối cảnh hiện tại với nhiều thay đổi trong tình hình chính trị và kinh tế thế giới, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh mục tiêu tự cường vươn lên.
Ngay sau đại dịch, năm 2022, Việt Nam đạt nhiều khởi sắc với mức tăng trưởng GDP 8%; tổng kim ngạch thương mại 732 tỷ USD và là nền kinh tế nằm trong top đầu thế giới với giá trị hơn 400 tỷ USD.
Năm nay, dù khó khăn, Thủ tướng cho biết tình hình "tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước".
Sau khi nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính định hướng hợp tác tập trung vào kinh tế, thương mại và đầu tư. Theo ông, không gian và dư địa của việc này còn rất lớn vì Mỹ là cường quốc đầu tư số 1 thế giới, song tỷ lệ đầu tư vào Việt Nam hiện còn khiêm tốn với trên 11 tỷ USD.
"Sau khi nâng cấp quan hệ, tôi tin đầu tư của Mỹ vào Việt Nam sẽ nhiều hơn, quan hệ thương mại và nhiều quan hệ khác sẽ thuận lợi hơn", Thủ tướng nói và cho biết từ phía Việt Nam, Chính phủ cũng "mở cửa" hơn với nhiều chính sách thông thoáng về visa, giấy phép lao động, tạo điều kiện cho người nước ngoài vào làm việc.
Chia sẻ ý kiến trước đó, bà con người Việt tại Mỹ đều có chung mong muốn cống hiến, đóng góp cho quê hương.
Tiến sĩ Hùng Trần là người từng thành lập công ty công nghệ ở Mỹ, chia sẻ người Việt làm trong Thung lũng Silicon ở San Francisco rất vui mừng khi 2 nước nâng cấp quan hệ. Ông tin việc này sẽ giúp Việt Nam tận dụng được nhiều cơ hội về phát triển công nghệ.
Nhấn mạnh mục tiêu xây dựng đội ngũ nhân lực công nghệ chất lượng cao, GS Hùng Trần chia sẻ người Việt rất giỏi, và những người trẻ ở Thung lũng Silicon đều sẵn sàng chung tay đào tạo đội ngũ nhân lực công nghệ chất lượng cao để giúp Việt Nam tận dụng cơ hội mà mối quan hệ Việt - Mỹ mang lại.
Chị Tô Diệu Liên (Chủ tịch hội thanh niên - sinh viên Việt Nam tại Mỹ) cũng kiến nghị có cơ chế hội tụ nhân tài Việt Nam tại Mỹ để những người có tâm huyết và chuyên môn cao, đóng góp cho đất nước.
Hoài Thu (Từ San Francisco, Mỹ)