Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa Việt Nam thuộc nhóm 30 quốc gia hàng đầu về du lịch

Phạm Tiếp (TTXVN)| 15/03/2023 15:48

Sáng 15/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 nhằm "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển". Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ và trực tuyến với đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.


Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; đại diện các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh du lịch và các ngành liên quan; các chuyên gia nghiên cứu kinh tế.

Thu tuong Pham Minh Chinh: Dua Viet Nam thuoc nhom 30 quoc gia hang dau ve du lich hinh anh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 20% so với trước dịch COVID-19

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trước dịch COVID-19 (năm 2019), lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng 2,3 lần so với năm 2015, đạt 18 triệu lượt, tăng trưởng bình quân 22,7%/năm. Năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN (chỉ sau Thái Lan, Malaysia). Trong khi đó, khách nội địa đạt 85 triệu lượt, tăng trưởng bình quân 10,5% năm. Tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước của ngành Du lịch lên đến 9,2%.

Đại dịch COVID-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu đã tác động nghiêm trọng đến ngành Du lịch thế giới cũng như Việt Nam. Năm 2020, cả nước chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu từ khách du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 57,8% so với năm 2019.

Sau khi kiểm soát được dịch COVID-19, từ ngày 15/3/2022, Chính phủ đã quyết định mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch. Với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành và nỗ lực toàn ngành, hoạt động du lịch đã dần khôi phục trở lại, đặc biệt là du lịch nội địa.

Thu tuong Pham Minh Chinh: Dua Viet Nam thuoc nhom 30 quoc gia hang dau ve du lich hinh anh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính điều hành phiên họp. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Năm 2022, lượng khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn 150% so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách). Tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch và đạt 66% so với mức kỷ lục năm 2019. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,5 triệu lượt (giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019), đạt 70% so kế hoạch…

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thảo luận, phân tích tình hình, thời cơ, thuận lợi, khó khăn; nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong phát triển du lịch thời gian qua và giải pháp phát triển du lịch thời gian tới; kinh nghiệm quốc tế trong phát triển du lịch... Các đại biểu cho rằng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng một phần do các doanh nghiệp du lịch Việt Nam chưa chủ động thích ứng, kết nối lại với thị trường, đẩy mạnh khai thác thị trường mới, vẫn còn trông chờ và phụ thuộc vào thị trường truyền thống; chính sách visa chưa đáp ứng yêu cầu cạnh tranh; ngành Du lịch thiếu hụt lao động có chuyên môn và kinh nghiệm; liên kết giữa các vùng, các địa phương, các ngành còn thấp, còn hình thức; sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn…

Các đại biểu đề nghị triển khai, thực hiện thật tốt Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, trong đó có chính sách ưu đãi về thuế đất, giá điện cho các cơ sở kinh doanh du lịch; tiếp tục hỗ trợ, tăng kinh phí cho quảng bá, xúc tiến du lịch; khuyến kích các doanh nghiệp du lịch quốc tế đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; mở rộng đối tượng miễn visa; xây dựng, quản lý quy hoạch du lịch với các sản phẩm du lịch đặc trưng cho từng vùng, gắn với văn hóa, cảnh quan, hạ tầng, khí hậu; ứng dụng công nghệ vào quản lý, vận hành, quảng bá du lịch; nên có chương trình quốc gia về phát triển du lịch… để tạo đột phá, đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Chung tay phục hồi, phát triển du lịch hiệu quả, bền vững

Phát biểu kết luận hội nghị, cùng với biểu dương các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã tích cực, đạt được kết quả đáng ghi nhận trong phát triển du lịch, nhất là trong bối cảnh xuất phát điểm thấp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước và các ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của ngành Du lịch. Nhìn chung, du lịch Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa bền vững, tính cạnh tranh chưa cao.

Trên cơ sở phân tích xu hướng toàn cầu; sự thay đổi nhu cầu của khách du lịch và tiềm năng, lợi thế, khó khăn, thách thức của du lịch Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng phát triển du lịch, phục hồi nhanh, tăng tốc phát triển hiệu quả và bền vững.

Theo Thủ tướng, Đại hội XIII của Đảng xác định: "Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế... Xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc... Đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47-50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14-15% GDP, nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50%".

Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định; an ninh trật tự, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững; nước ta đang đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín, vị thế quốc tế như ngày nay; vị trí địa lý thuận lợi; hệ thống giao thông tương đối đồng bộ; thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, đa dạng, phong phú về cả biển, núi, rừng và sông; có một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, 3 di sản thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; hơn 41 nghìn di tích, danh lam, thắng cảnh; sản vật phong phú, mặt bằng giá cả thấp hơn so với khu vực; đặc biệt có 54 dân tộc với những nét văn hóa đặc sắc… "Đây là những yếu tố nền tảng quan trọng để chúng ta phát triển, trong đó có phát triển du lịch", Thủ tướng khẳng định.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh quan điểm phải phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội; phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn; chuyển từ "cung cấp cái mình có" sang "cung cấp điều khách hàng cần"; từ du lịch "một mùa", sang du lịch quanh năm; phát triển du lịch theo hướng an toàn, xanh, sạch, văn minh, hiện đại, hấp dẫn, đề cao văn hóa du lịch Việt Nam; phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, song không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, vừa có tính đặc sắc, riêng có. Phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể, liên kết với phát triển du lịch của thế giới và khu vực; phát triển du lịch theo chuẩn mực quốc tế nhưng cũng đa dạng, độc đáo, riêng có…

"Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp chung tay phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch văn minh, hội nhập, hiệu quả, bền vững; với phương châm "người dân, doanh nghiệp là chủ thể; khách du lịch là trung tâm; sản phẩm, hạ tầng du lịch là nền tảng; dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực", Thủ tướng nhắc nhở.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về du lịch, nhất là Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế.

Thủ tướng chỉ đạo tập trung rà soát, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định về du lịch; tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch, trong đó khuyến khích khu vực tư đầu tư cho hạ tầng du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu; nâng cao năng lực kinh doanh và chất lượng sản phẩm dịch vụ, phù hợp với nhu cầu và biến động của thị trường du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.

Cùng với đó, tiếp tục đầu tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch; hoàn thiện chính sách về visa, lệ phí, thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú; tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng; tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các tập đoàn, tổng công ty du lịch lớn, đa quốc gia trong thúc đẩy kết nối, thu hút các thị trường khách lớn, tiềm năng.

Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án "Cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn"; tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu du lịch nội địa; khai thác có hiệu quả các thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng khai thác các thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày; khai thác phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh như du lịch văn hóa, du lịch hội nghị, du lịch golf, du lịch ẩm thực, du lịch chữa bệnh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, du lịch miệt vườn, du lịch nông thôn; triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất, đúng hướng đối với các nguồn lực đầu tư cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch…

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tích cực, chủ động phối hợp với bộ, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá văn hóa và du lịch Việt Nam ở nước sở tại; phối hợp, thực hiện tốt chính sách visa, xuất nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế; triển khai hiệu quả ngoại giao kinh tế, trong đó có du lịch. Bộ Công Thương phải lồng ghép quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch Việt Nam trong các chương trình xúc tiến thương mại của Bộ chủ trì ở trong và ngoài nước, gắn xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… phát triển du lịch liên quan nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động phối hợp, thúc đẩy liên kết du lịch để cùng phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực, quản lý, đầu tư phát triển du lịch; thường xuyên lắng nghe, trao đổi, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững, đúng pháp luật; đẩy mạnh hợp tác công - tư, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới.

"Các địa phương phải tập trung xây dựng nếp sống văn minh, bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, an toàn cho khách du lịch", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tích cực nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; xây dựng văn hóa doanh nghiệp; thực hiện tốt văn hóa doanh nhân; đề cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, trách nhiệm với xã hội và cộng đồng; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm chế độ cho người lao động và tham gia đào tạo nguồn nhân lực du lịch…

Thủ tướng nhấn mạnh, du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, ngành "công nghiệp không khói", đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của nhiều quốc gia; là xu hướng phát triển của tương lai; đồng thời cũng là cầu nối để nhân dân các nước cùng gặp gỡ, trao đổi, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, củng cố tình đoàn kết, hữu nghị, hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.

Đối với các đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, có 26 nhóm vấn đề; Chính phủ sẽ tổng hợp xem xét đưa vào Nghị quyết của Chính phủ ban hành tới đây về phát triển du lịch để tháo gỡ, thúc đẩy phát triển.

Thủ tướng tin tưởng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự quản lý của Nhà nước; sự quyết tâm, nỗ lực cao của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung tay, đồng lòng ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp du lịch và người dân; ngành Du lịch Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ theo hướng "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch sẽ - Điểm đến an toàn, thân thiện", thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, góp phần quan trọng xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, nhân dân Việt Nam ấm no, hạnh phúc.

Phạm Tiếp

Theo dantocmiennui.vn
https://dantocmiennui.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-dua-viet-nam-thuoc-nhom-30-quoc-gia-hang-dau-ve-du-lich/331280.html
Copy Link
https://dantocmiennui.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-dua-viet-nam-thuoc-nhom-30-quoc-gia-hang-dau-ve-du-lich/331280.html
Bài liên quan
  • Bức ảnh ‘cổng trời’ tại Việt Nam gây sốt mạng xã hội
    Bức ảnh “cổng trời” tại Việt Nam đang được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Bức ảnh này không chỉ thu hút được lượt tương tác cao mà còn khiến nhiều người thắc mắc đây là ở đâu và người chụp là ai?
  • Phố trang trí lộng lẫy, người dân đi chơi Noel sớm
    Chưa đến cuối tháng 11 nhưng du khách và người dân Hà Nội đã háo hức lên phố Hàng Mã mua đồ, dạo chơi và chụp ảnh.
  • Phát triển du lịch văn hóa nhìn từ thực tiễn sống động tại TP.HCM
    Biểu tượng (logo) của ngành du lịch TP.HCM là hình ảnh chợ Bến Thành, kết hợp cùng khẩu hiệu (slogan) “Vibrant Ho Chi Minh City - TP.HCM Sống động”, phủ lên dải quang phổ đa sắc màu. Nếu hình dung bức tranh du lịch TP.HCM qua sự phong phú màu sắc như thế, thì ở đó, không thể thiếu thực tiễn sống động của du lịch văn hóa - mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa hiện nay, dựa trên các giá trị đặc sắc của vùng đất đa dạng văn hóa, giàu tài nguyên du lịch văn hóa.
  • Chiêm ngưỡng hai thành phố đẹp như mơ ở Malaysia
    Đến Malaysia, không ghé thăm hai thành phố Malacca và Putrajaya sẽ là khuyết điểm lớn. Nếu Malacca mang vẻ đẹp cổ kính bởi đền đài, thành quách thì Putrajaya lại được biết đến là thành phố mới, thông minh và sôi động.
  • 10 sự thật thú vị về văn hóa Malaysia mà bạn nên biết
    Quê hương của đối thủ tuyển Việt Nam tại vòng bảng AFF Suzuki Cup 2020 có vua sầu riêng, nói tiếng Anh như ngôn ngữ bản địa và... đi vệ sinh với phong cách ngồi xổm.
  • Tham quan lăng tẩm vị Hoàng đế thứ 9 của triều Nguyễn
    Được xây dựng trải qua 4 đời vua, lăng của vị vua Đồng Khánh mang dấu ấn hai trường phái kiến trúc của hai thời điểm lịch sử.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa Việt Nam thuộc nhóm 30 quốc gia hàng đầu về du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO