Thủ tướng lên đường tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong tại Lào

Hoài Thu| 04/04/2023 19:10

Những thách thức cùng cơ hội trong phát triển lưu vực sông Mekong sẽ được bàn thảo tại Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong lần thứ 4, với sự tham gia các Thủ tướng, đại diện đối tác.

Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) lần thứ tư sẽ diễn ra vào ngày 5/4 tại thủ đô Vientiane, Lào. Nhận lời mời của Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã lên đường tham dự Hội nghị, chiều 4/4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ phát biểu tại phiên toàn thể

Hội nghị MRC lần này là nơi các Thủ tướng, đại diện đối tác đối thoại, đối tác phát triển cùng thảo luận về những khó khăn, thách thức cũng như cơ hội trong phát triển lưu vực sông Mekong. Từ đó, đưa ra lĩnh vực ưu tiên và giải pháp cần tập trung thực hiện.

Tại phiên toàn thể của Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có bài phát biểu về những vấn đề liên quan.

Thủ tướng lên đường tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong tại Lào - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ tư tại Lào vào ngày 5/4 (Ảnh: VGP).

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sẽ có một số hoạt động như gặp, làm việc với Thủ tướng Lào và Thủ tướng Campuchia; gặp hẹp giữa Thủ tướng các nước thành viên MRC.

Hội nghị sẽ kết thúc sau khi các Thủ tướng thông qua Tuyên bố Vientiane - Tuyên bố chung của Hội nghị.

Sau đó, người đứng đầu Chính phủ sẽ có cuộc hội kiến với Thủ tướng Lào trước khi rời Vientiane về Việt Nam.

Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ tư có ý nghĩa rất quan trọng nhằm kiểm điểm quá trình 4 năm hoạt động, kể từ Hội nghị Cấp cao lần thứ ba vào năm 2018, theo Bộ Ngoại giao.

Đây được nhìn nhận là cơ hội để tiếp tục khẳng định cam kết cao nhất của các quốc gia thành viên trong việc tăng cường hợp tác khu vực cho sự phát triển bền vững lưu vực sông Mekong.

Các quốc gia trong lưu vực sẽ cùng xác định lĩnh vực ưu tiên cho hoạt động  Ủy hội giai đoạn tiếp theo, đặc biệt trong xu thế đảm bảo an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực trước thách thức do tự nhiên và con người gây nên.

Đây cũng là sự kiện chính trị cấp cao của các nước trong tiểu vùng Mekong, qua đó khẳng định vai trò quan trọng của Ủy hội, tăng cường quan hệ giữa các nước thành viên và thu hút sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức quốc tế, khu vực, đối tác đối thoại, đối tác phát triển và cộng đồng các nhà tài trợ.

Việt Nam là quốc gia thành viên tích cực, gương mẫu

Ủy hội sông Mekong quốc tế được thành lập theo Hiệp định hợp tác Phát triển bền vững lưu vực sông Mekong, ký ngày 5/4/1995 giữa Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Mục tiêu chính của Ủy hội là thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong sử dụng, phát triển và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan một cách bền vững trên lưu vực sông Mekong.

Thủ tướng lên đường tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong tại Lào - 2

Vùng ĐBSCL phải chịu các tác động ngày càng nghiêm trọng do các hoạt động phát triển ở thượng nguồn sông Mekong (Ảnh:TTXVN).

Ủy hội cũng là tổ chức duy nhất có chức năng xây dựng khuôn khổ pháp lý, trong đó có quy chế ràng buộc với các quốc gia thành viên về chia sẻ công bằng, hợp lý tài nguyên nước và cùng nhau bảo vệ môi trường sinh thái lưu vực sông, bên cạnh chức năng thúc đẩy các dự án phát triển chung.

Việt Nam với vị thế là quốc gia cuối nguồn và phải chịu các tác động ngày càng nghiêm trọng do các hoạt động phát triển ở thượng nguồn sông Mekong, đã xác định hợp tác trong Ủy hội là cơ chế hợp tác vùng có cơ sở pháp lý chặt chẽ nhất, có cơ cấu thể chế có truyền thống lâu dài và ổn định, và quan trọng hơn, là cơ chế hợp tác về tài nguyên nước đầy đủ, duy nhất trong khu vực.

Ủy hội được coi là Diễn đàn khu vực quan trọng nhất giúp Việt Nam bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên có liên quan vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và an ninh nguồn nước quốc gia nói chung.

Vì vậy, Việt Nam xác định phải là quốc gia thành viên tích cực nhất, gương mẫu nhất và có tính xây dựng nhất để có thể kêu gọi các quốc gia thành viên khác góp phần thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995; tuân thủ quy định của Ủy hội, qua đó kêu gọi sự hỗ trợ và ủng hộ của cộng đồng quốc tế cùng khu vực.

Cho tới nay, Việt Nam đã thể hiện cam kết chính trị rất cao, cho thấy vai trò của một quốc gia thành viên hết sức tích cực trong tham gia các hoạt động của Ủy hội sông Mekong quốc tế trên tất cả các cấp và diễn đàn.

Việt Nam cũng là quốc gia thành viên đi đầu trong nỗ lực nâng cao hình ảnh, vị thế và tầm quan trọng của hợp tác trong Ủy hội sông Mekong quốc tế trên các diễn đàn quốc tế và đa phương; luôn đề cao tinh thần đoàn kết hợp tác giữa các quốc gia, đóng góp vào ổn định và hợp tác khu vực.

Việc thúc đẩy hợp tác với các quốc gia thượng nguồn là Trung Quốc và Myanmar cũng được đẩy mạnh trên cơ sở thận trọng, khôn khéo, vận dụng  nguyên tắc hợp tác cơ bản đã được các bên tham gia chấp thuận như đồng thuận nhất trí, tôn trọng chủ quyền quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng lên đường tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong tại Lào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO