Thông điệp này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi cùng lãnh đạo các nước dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 18. Các nước tham gia EAS gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, NewZealand, Ấn Độ, Nga và Mỹ.
Hòa bình, ổn định là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ với quy mô trên 54% dân số thế giới và khoảng 62% GDP toàn cầu, Đông Á được kỳ vọng là tâm điểm hội tụ niềm tin, lan tỏa lợi ích.
Để Đông Á thực sự phát huy vai trò quan trọng đó, Thủ tướng đã đề xuất ba nhóm giải pháp trọng tâm.
Một là, định hình cấu trúc khu vực rộng mở, bao trùm, minh bạch và dựa trên luật pháp quốc tế. Theo đó, cần kiên trì với những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, củng cố lòng tin, hành xử xây dựng và có trách nhiệm.
Hai là, tạo dựng động lực mới cho tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững.
Cho rằng cần thị trường rộng mở, chính sách thông thoáng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò của tầm nhìn chiến lược, dài hạn thay vì áp dụng các biện pháp cục bộ, ngắn hạn, đưa Đông Á trở thành tâm điểm của giao thương, kết nối các chuỗi cung ứng, duy trì hàng hóa và dịch vụ thông suốt.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng nền kinh tế số, phát triển kinh tế xanh, áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… là những định hướng phù hợp, đúng đắn.
Thứ ba, Thủ tướng cho rằng cần xác định hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển là mục tiêu; đối thoại, hợp tác là công cụ. Đối thoại thẳng thắn, hợp tác chân thành là nền tảng, nguyên tắc quan trọng tạo nên thành công của ASEAN trong 6 thập kỷ qua, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Ông kỳ vọng tinh thần này sẽ lan tỏa tới những khu vực khác, trong đó có châu Âu, nơi xung đột Ukraine đang diễn ra, căng thẳng ở Bán đảo Triều Tiên đang tác động sâu rộng.
Thủ tướng kêu gọi các nước đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương để giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên; cùng nhau giải quyết tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế.
Tại hội nghị, các quốc gia đã trao đổi về những vấn đề quốc tế và khu vực như Biển Đông, Myanmar, Bán đảo Triều Tiên, xung đột tại Ukraine… Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực là điều kiện tiên quyết, phục vụ nỗ lực tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững hiện nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đối tác ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, cùng ASEAN thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, ứng phó các thách thức chung.
Thủ tướng cùng các nước ASEAN tái khẳng định lập trường chung về Biển Đông, nhấn mạnh đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông là lợi ích của tất cả quốc gia.
Kết thúc hội nghị, các lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao Đông Á về duy trì và thúc đẩy khu vực là tâm điểm của tăng trưởng.
Dành nguồn lực hoàn tất các tuyến cao tốc nối ASEAN - Ấn Độ
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 20 diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định ASEAN là trụ cột trong chính sách Hành động hướng đông và là trọng tâm trong Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ.
Lưu ý cần tận dụng tiềm năng của thị trường 1,5 tỷ dân và chiếm 1/3 GDP toàn cầu, lãnh đạo các nước đề nghị tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại và đầu tư giữa ASEAN - Ấn Độ.
ASEAN và Ấn Độ nhất trí tập trung ưu tiên hợp tác biển bền vững, kinh tế biển xanh, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, đồng thời mở rộng hợp tác chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu.
Ghi nhận tiềm năng bứt phá của ASEAN và Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tăng cường kết nối về kinh tế và thương mại, triển khai hiệu quả AIFTA, phát huy các thế mạnh bổ trợ cho nhau về giao thương, đầu tư, kết nối…
Nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối giao thông, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị hai bên dành nguồn lực thích đáng để sớm hoàn tất các dự án đường cao tốc kết nối Ấn Độ với ASEAN, mở rộng tới Việt Nam và lan tỏa khắp ASEAN, cả về đường bộ, hàng hải và hàng không.
Cũng theo lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, hai bên cần đẩy nhanh kết nối và hợp tác chuyển đổi số, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ hai bên.
Hội nghị ASEAN - Ấn Độ đã thông qua các tuyên bố chung về hợp tác biển và tăng cường an ninh lương thực trong thời kỳ khủng hoảng.
Hoài Thu (Từ Jakarta, Indonesia)