Quan điểm này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu kết luận cuộc họp sáng 20/4 của Thường trực Chính phủ, về bảo đảm cung ứng điện trong mùa cao điểm nắng nóng sắp tới cũng như cả năm 2024.
Không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng đang tăng lên, gây áp lực cho sản xuất, truyền tải điện, cung ứng điện.
Nêu dự báo cung ứng điện sẽ khó khăn hơn, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải đặt mục tiêu không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng cho rằng chỉ đạo thôi là chưa đủ, phải tăng cường rà soát, kiểm tra, đôn đốc, không để tình trạng "nước đến chân mới nhảy".
Ông nhắc lại bài học thiếu điện cục bộ mùa khô năm ngoái, dù có chuẩn bị nhưng không đôn đốc, kiểm tra nên lúc cần điện, nhiều nhà máy lại bảo dưỡng. Điều này cho thấy tổng nguồn không thiếu, nhưng thiếu điện do khâu điều hành, tính toán không khoa học…
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp liên quan chủ động xây dựng phương án xấu nhất có thể xảy ra; kịp thời điều hành, quản lý, sản xuất, kinh doanh với các giải pháp linh hoạt, hợp lý, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ, các đơn vị phải dự báo, đánh giá tình hình "đúng và trúng", sát nhu cầu, khả năng đáp ứng, những diễn biến xấu có thể xảy ra, kể cả năm 2024 và 2025.
Về các phương án nguồn điện, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm chung cho tất cả vùng miền.
Ông lưu ý những tháng cao điểm ở miền Bắc (tháng 5, 6, 7), phụ tải tăng lên mạnh (dự báo tháng 5 trên dưới 1.000MW, tháng 6 trên dưới 2.500MW, tháng 7 khoảng 1.000MW) nên phải đa dạng hóa các nguồn điện, rà soát kỹ những nguồn có thể huy động được, kể cả nguồn chạy dầu diesel...
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị các nhà máy nhiệt điện than mua tối đa than sản xuất trong nước, không mua được mới nhập khẩu. Có như vậy mới thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước, tạo sinh kế, không chảy máu ngoại tệ, đồng thời tránh được tiêu cực.
Trình Chính phủ xem xét Nghị định về mua bán điện trực tiếp
Liên quan về tháo gỡ pháp lý, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương tháo gỡ ngay những vướng mắc về nghị định, thông tư; xây dựng kế hoạch đáp ứng theo từng tháng; bảo đảm cân đối chung và công suất tối thiểu của các nhà máy điện.
"Phải vì lợi ích tổng thể chứ không cục bộ. Đa dạng hóa các nguồn điện, sớm ban hành Nghị định về mua bán điện trực tiếp để lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ trong tuần tới, trình Chính phủ vào phiên họp thường kỳ tháng 4", người đứng đầu Chính phủ nêu yêu cầu.
Liên quan truyền tải điện, Thủ tướng yêu cầu trước mắt cần tập trung hoàn thành công trình Đường dây 500kV Quảng Trạch - Phố Nối trước 30/6, để đưa điện từ miền Trung, miền Nam ra Bắc.
Về tính giá điện, Thủ tướng lưu ý có lộ trình phù hợp, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, ông nhắc "không điều hành theo kiểu giật cục".
"EVN phải rà soát lại việc này. Giá điện phải bảo đảm phù hợp, phải trao đổi với các tập đoàn như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và các tập đoàn khác. Tinh thần là giá điện cạnh tranh nhưng phải có sự điều tiết của Nhà nước", Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo việc này.
Bên cạnh đó, ông yêu cầu các bộ, ngành chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao, sớm trình Chính phủ các cơ chế mua bán điện trực tiếp, tự sản tự tiêu…
Các địa phương theo thẩm quyền thực hiện nhanh chóng công tác giải phóng mặt bằng; lựa chọn nhà đầu tư, xây dựng các công trình liên quan điện; bảo đảm hành lang cho các dự án đường truyền tải điện.
Các bộ, ngành cơ quan chức năng được giao tăng cường công tác kiểm tra, chống tiêu cực trong ngành điện nói chung, sản xuất và tiêu thụ điện nói riêng.
Thủ tướng yêu cầu điều hành thông suốt, thông minh, tăng cường chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành điện, giảm chi phí đầu vào và tăng năng lực cạnh tranh.