“Chúng ta cần thảo luận về kiểm soát vũ khí giữa các cường quốc trên thế giới và thoát khỏi cuộc chạy đua vũ trang bằng cách nhất trí về việc cắt giảm vũ khí”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh.
Ông Olaf Scholz nói thêm Đức phải "đủ mạnh để không bị bất kỳ ai tấn công". Truyền thông thế giới cho rằng lãnh đạo Đức dường như đang đề cập đến kế hoạch triển khai vũ khí tầm xa của Mỹ ở châu Âu.
Washington công bố kế hoạch triển khai vũ khí tầm xa tới Đức vào năm 2026, bao gồm hệ thống SM-6 và Tomahawk. Giải thích về quyết định triển khai tên lửa của Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho hay việc triển khai này tạo cho Đức cơ hội phát triển nhiều loại vũ khí tương tự của riêng mình.
Việc triển khai vũ khí tầm xa từng bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi hiệp ước INF vào năm 2019 với lý do một số tên lửa hành trình của Nga vi phạm thỏa thuận.
Moskva phủ nhận cáo buộc này và Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo quyết định phá bỏ hiệp ước sẽ "gây ra hậu quả nghiêm trọng".
Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga tiếp tục tuân thủ hiệp ước trong nhiều năm sau khi Mỹ rút lui. Ông cho rằng ngành công nghiệp quốc phòng của Nga có thể tiếp tục sản xuất hệ thống tên lửa bị cấm trước đây.
Moskva cũng tuyên bố sẽ "bình tĩnh" chuẩn bị phản ứng quân sự đối với kế hoạch triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ ở châu Âu. Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov mô tả động thái của Washington là "một trong những yếu tố đe dọa" đối với Nga.
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov lên án động thái này, cảnh báo điều đó có thể mở đường cho sự leo thang trong mối quan hệ vốn căng thẳng giữa Nga và NATO. Ông Antonov lập luận việc triển khai vũ khí tầm xa sẽ gây ra mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu và có thể làm sống lại cuộc chạy đua vũ trang.