Điều này được Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh sau chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Trung Quốc, Hội chợ Trung Quốc - ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Thương mại và đầu tư Trung Quốc - ASEAN lần thứ 20.
3 ý nghĩa quan trọng
"Hoạt động của đoàn đã thành công tốt đẹp, đạt được yêu cầu, mục đích đặt ra, đặc biệt là mang lại ý nghĩa quan trọng thể hiện trên 3 khía cạnh chính", theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ.
Đầu tiên, theo ông Vũ, hoạt động của Thủ tướng Phạm Minh Chính giúp củng cố tin cậy chính trị và quan hệ song phương Việt Nam - Trung Quốc.
Chuyến công tác của Thủ tướng tới Trung Quốc cũng thể hiện sự coi trọng cao độ, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam đối với quan hệ song phương với Trung Quốc, là hoạt động thiết thực kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt - Trung.
Đặc biệt, ông Vũ nhấn mạnh cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng góp phần tiếp tục cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao, nhất là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (10/2022) và kết quả các chuyến thăm Trung Quốc và dự WEF Thiên Tân của Thủ tướng hồi tháng 6/2023…
Ý nghĩa thứ hai, ông Vũ nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác thiết thực giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trong hội đàm, hai Thủ tướng đã đi sâu trao đổi về biện pháp thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác với trọng tâm là kinh tế - thương mại, kết nối giao thông nhằm phát huy đầy đủ tính bổ trợ của hai nền kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu một số đề xuất hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên và có nhu cầu, như đề nghị đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông, thủy sản Việt Nam, tạo điều kiện sớm thành lập Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Thành Đô (Tứ Xuyên) và Hải Khẩu (Hải Nam), phối hợp nâng cao hiệu suất thông quan, tránh xảy ra ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu.
Thủ tướng cũng đề xuất tăng cường kết nối giao thông và hạ tầng cửa khẩu, nghiên cứu hợp tác trong việc lập quy hoạch và xây dựng một số tuyến đường sắt ở Việt Nam; phối hợp xử lý dứt điểm các vướng mắc tại một số dự án hợp tác trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"…
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Bí thư Quảng Tây Lưu Ninh đều khẳng định sẽ mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nhất là nông sản của Việt Nam, duy trì giao thương thông suốt tại các cửa khẩu.
Lãnh đạo Trung Quốc khuyến khích doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên; tăng cường kết nối đường bộ, đường sắt giữa hai nước.
Ý nghĩa thứ ba, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, là sự đóng góp chủ động, tích cực của Việt Nam trong hợp tác ASEAN và ASEAN - Trung Quốc.
Ông Vũ cho biết Hội chợ ASEAN - Trung Quốc và Hội nghị thượng đỉnh thương mại - đầu tư Trung Quốc - ASEAN là cơ chế hợp tác kinh tế - thương mại quan trọng giữa Trung Quốc và ASEAN. Trong tất cả kỳ hội chợ, Việt Nam luôn có lãnh đạo Chính phủ tham dự.
Việt Nam cũng là nước có số lượng gian hàng, doanh nghiệp tham gia nhiều nhất trong ASEAN.
"Việc Thủ tướng, đoàn đại biểu cấp cao và đông đảo doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ lần này tiếp tục thể hiện sự coi trọng, đóng góp tích cực của Việt Nam với cơ chế hợp tác ASEAN - Trung Quốc, nhân dịp kỷ niệm tròn 20 năm Hội chợ CAEXPO ra đời", theo ông Vũ.
Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm, động viên các doanh nghiệp Việt Nam có triển lãm tại Hội chợ, khẳng định thông điệp về việc Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường Trung Quốc cũng như khu vực và quốc tế.
"Những điều đặc biệt"
Chia sẻ về những điểm đặc biệt của Hội chợ lần này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói đây là kỳ Hội chợ đánh dấu 20 năm ra đời và phát triển của CAEXPO và CABIS. Đây cũng là kỳ Hội chợ đầu tiên được tổ chức trực tiếp sau 3 năm gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, do đó, được các nước, người dân và doanh nghiệp các nước ASEAN và Trung Quốc hết sức quan tâm.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu, là cấp lãnh đạo cao nhất cùng với một số nước tham dự Hội chợ. Cùng đi với Thủ tướng có 4 Bộ trưởng trong lĩnh vực kinh tế như Công Thương, Tài chính, Xây dựng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cùng nhiều bộ, ngành và lãnh đạo 7 tỉnh giáp biên với Trung Quốc…
Khu gian hàng thương mại Việt Nam lần này tiếp tục có quy mô lớn nhất trong số các nước ASEAN với sự tham gia của 120 doanh nghiệp, hơn 200 gian hàng được trưng bày trên diện tích hơn 4.000m2.
Doanh nghiệp Việt Nam mang đến Hội chợ đa dạng các loại mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, giày dép, gia dụng và may mặc, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ...
"Những điều này cho thấy sự coi trọng cao độ, nhu cầu và thiện chí của Việt Nam trong triển khai hợp tác sâu rộng, toàn diện với Trung Quốc cũng như với các nước ASEAN, cũng cho thấy tiềm lực, vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế - thương mại song phương và đa phương trong khu vực", Thứ trưởng Vũ nhấn mạnh.
Thông điệp của Thủ tướng về quyết tâm, cam kết của Việt Nam cũng như các đề xuất hợp tác cụ thể về tăng cường kết nối hạ tầng giao thông, xây dựng chuỗi cung ứng, theo Bộ Ngoại giao, được các nước đồng tình, đánh giá cao.