Thủ tướng: "Chúng ta làm việc vì tình dân tộc, nghĩa đồng bào"

Hoài Thu| 15/09/2024 10:22

Khẩn trương khắc phục hậu quả của bão; ổn định tình hình nhân dân; khôi phục sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là những nội dung chính được Thường trực Chính phủ bàn thảo.

Sáng 15/9, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3, bàn về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Trước khi bắt đầu, Hội nghị dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng do bão lũ gây ra.

Bão số 3 được nhận định là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền Việt Nam, gây thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Đến 6h ngày 15/9, đã có 348 người chết và mất tích.

Thủ tướng: Chúng ta làm việc vì tình dân tộc, nghĩa đồng bào - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3, bàn về các giải pháp khắc phục hậu quả và khôi phục đời sống nhân dân (Ảnh: Đoàn Bắc).

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ bão số 3 (bão Yagi) là cơn bão lịch sử với 7 yếu tố: Cường độ lớn; tốc độ cao; phạm vi rộng; đối tượng tác động nhiều; kéo dài nhiều tiếng khi đổ bộ vào đất liền; gây mưa lũ lớn dài ngày, trên diện rộng từ Thanh Hóa trở ra; gây hậu quả rất nghiêm trọng về người, tài sản, cả vật chất và tinh thần.

Trước tình hình bão lũ, thiên tai, Bộ Chính trị dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã họp, ra kết luận rất kịp thời. Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đi các địa phương trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của bão.

Thủ tướng cũng đã có 9 công điện chỉ đạo với tinh thần bám sát tình hình thực tế, phản ứng đúng, trúng, nhanh, phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Điển hình là việc chỉ đạo các giải pháp phân lũ từ thượng nguồn để bảo vệ đập thủy điện Thác Bà tại Yên Bái, đê Hoàng Long tại Ninh Bình, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các lực lượng, địa phương, chuẩn bị phương án sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Thủ tướng biểu dương các Phó Thủ tướng, thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, lực lượng quân đội, công an… cùng người dân đã nghiêm túc triển khai nhiều chỉ đạo của Trung ương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ, thiên tai.

Thủ tướng: Chúng ta làm việc vì tình dân tộc, nghĩa đồng bào - 2

Thường trực Chính phủ dành một phút mặc niệm các nạn nhân bị thiệt mạng do bão và mưa lũ (Ảnh: Đoàn Bắc).

Theo người đứng đầu Chính phủ, Thường trực Chính phủ tổ chức hội nghị này nhằm đánh giá sơ bộ công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả của bão; triển khai các giải pháp nhằm 4 mục tiêu lớn.

Một là khẩn trương khắc phục hậu quả của bão. Hai là nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân. Ba là khôi phục sản xuất, kinh doanh. Bốn là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

"Chúng ta làm việc vì tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tất cả vì nhân dân, vì sự phát triển của đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hậu quả của mưa lũ (tính đến 6h sáng 15/9), đã có 348 người chết và mất tích (281 người chết, 67 người mất tích).

Trong đó, Lào Cai có 168 người chết và mất tích (118 người chết, 50 người mất tích); Cao Bằng: 58 người (53 người chết, 5 người mất tích); Yên Bái: 54 người (53 người chết, 1 người mất tích); Quảng Ninh: 25 người chết; Phú Thọ: 11 người (1 người chết do sạt lở đất, 1 người chết do lũ; 8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 1 người mất tích do lũ); Hòa Bình: 7 người chết do sạt lở đất; Tuyên Quang: 5 người chết do lũ…

Thống kê sơ bộ trên cả nước cho thấy có gần 232.000 ngôi nhà bị hư hỏng do bão và mưa lũ, tập trung ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Giang, Yên Bái…

Bên cạnh đó, diện tích lớn hoa màu, cây ăn quả và lúa ở các địa phương cũng bị thiệt hại nặng nề. Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng. Một số địa bàn miền núi như Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng bị chia cắt về giao thông và sóng viễn thông do hậu quả của sạt lở, lũ quét.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: "Chúng ta làm việc vì tình dân tộc, nghĩa đồng bào"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO