Thứ trưởng Bộ Y tế: Có thể F2 dương tính với Covid-19 không phải lây từ F1 mà từ nguồn có sẵn

Ngọc Hân| 11/02/2021 14:00

Việt BáoTheo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, đến hiện tại, ổ dịch ở sân bay Tân Sơn Nhật đã tạm ổn. Hiện tại, ông Sơn và ngành Y tế TP.HCM đang lo ngại những ca nhiễm mới lấy nhiễm từ cộng đồng.

Sáng 30 Tết (ngày 11/2), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã có buổi làm việc với Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Tại đây, Thứ trưởng Sơn đã gửi lời chúc mừng năm mới đến đội ngũ y bác sĩ tham gia chống dịch tại bệnh viện.

“Đây là cái Tết thứ hai mà tất cả nguồn lực ngành Y tế, công an, bộ đội, lực lượng dân quân tự vệ… tham gia chống dịch Covid-19. Đại diện cho lãnh đạo Bộ Y tế, tôi xin cảm ơn các đồng chí đã hi sinh chuyện ca nhân, gia đình, các cuộc vui xuân để ở lại nơi phòng chống dịch”, Thứ trưởng Sơn nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm việc cùng các y bác sĩ Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

Ông Sơn cũng cho biết, làm việc trong ngành y mấy chục năm ông chưa bao giờ thấy ngành y lại trong tâm thế phòng chống dịch như hiện nay. “Hai ca bệnh Covid-19 của nước ta là cha con người đàn ông Vũ Hán (Trung Quốc). Sau đó, nước ta bước vào cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19 phức tạp. Không chỉ cá nhân tôi, mà bây giờ, tất cả các cá nhân trong ngành y tế luôn nâng cao cảnh giác, luôn chuẩn bị mọi tâm thế để chuẩn bị các bước khó khăn, phức tạp hơn vì dịch bệnh. Đến hôm nay, tôi tham gia vào công cuộc phòng chống dịch bệnh đã tròn một năm, nhưng cảm xúc vẫn như những ngày đầu”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.

Từ khi được giao trọng trách tổ trưởng Tổ thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế được điều vào TP.HCM, đến nay, ông Sơn đã có 3 ngày tham gia họp, đi thị sát nhiều nơi như bệnh viện, khu vực phong tỏa và nơi cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại TP.HCM. Ông nói: “Bên cạnh sự chi viện của các đơn vị trung ương, TP.HCM còn cho thấy sự chuyên nghiệp hơn rất nhiều so với các đợt dịch trước đây về truy vết, xét nghiệm, chăm sóc điều trị. Trong đó năng lực xét nghiệm được nâng lên đáng kể. Các khu phong tỏa được xây dựng theo nguyên tắc từ rộng rồi thu hẹp dần để đảm bảo an toàn, không xáo trộn cho cộng đồng”.

Khu cách ly đặc biệt Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

Nói về thông tin, TP.HCM ghi nhận 33 ca nhiễm Covid-19 mới, tưởng như đơn giản nhưng lại có yếu tố bất ngờ, Thứ trưởng Sơn cho biết, để đánh gia vấn đề này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. “Chúng ta đều biết sự phức tạp trong đội bốc vác của sân bay Tân Sơn Nhất, bên cạnh các ca F1 âm tính thì F2 lại dương tính. Sẽ có nhiều giả thuyết về hiện tượng này, và có lẽ chúng ta cần chờ đợi kết quả giải trình tự gen từ Viện Pasteur TP.HCM để xem virus này với các virus ở Hải Dương, Quảng Ninh có gì giống, khác nhau; và liệu có mang các đột biến giống virus ở Anh, Nam Phi, Brazil hay không”, ông Sơn nói.

Theo thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, trường hợp F2 thành F0 tại TP.HCM là một điểm mới, có nhiều giả thuyết. Hiện TP.HCM đang xây dựng 3 giả thuyết có thể xảy ra.

Giả thuyết đầu tiên là khi phát hiện ra F2 dương tính với COVID-19, F1 đã hết bệnh (âm tính).

Giả thuyết thứ 2 có thể F1 âm tính này trước đó chính là trung gian lây bệnh cho F2 và F0.
Còn giả thuyết thứ 3 có lẽ đáng ngại hơn, tức F2 không phải lây từ F1 mà từ nguồn có sẵn, đã âm thầm "mật phục" trong cộng đồng từ sự "rò rỉ" ở các đợt dịch trước nhưng không có triệu chứng.

Hiện ngành Y tế TP.HCM tiến hành truy vết, khoanh phùng, cách ly và xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19.

Hiện nay ngành y tế đang chủ động ở tất cả mọi giả thuyết, xây dựng các phương án để có thể tìm ra lời giải một cách rõ ràng nhất. Đặc biệt, vấn đề truy vết rộng trong cộng đồng đã được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo và chúng tôi sẽ bàn với TP.HCM để tổ chức lấy mẫu trong cộng đồng rộng một cách điển hình hơn.

Nói về trường hợp bệnh nhân 1979 có phải là bệnh nhân đầu tiên của đợt dịch này hay không, Thứ trưởng Sơn khẳng định, chưa hẳn. “Quan điểm của chúng ta bây giờ là truy vết, khoanh vùng và dập dịch. Còn việc truy vết F0, được đúc kết từ bài học ở Đà Nẵng rồi, đó là chúng ta không phải đưa vấn đề này làm chủ chốt. Chúng ta vẫn phải quyết liệt tìm kiếm, còn nếu không tìm thấy thì phương pháp dập dịch là trọng tâm nhất.

Các nhân viên Y tế ở Bệnh viện dã chiến Củ Chi vui mừng khi được Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đến chúc Tết và tặng quà.

Các chuỗi ca Covid-19 ở sân bay Tân Sơn Nhất thì tương đối ổn, còn với cộng đồng, hiện thành phố có đến 5 khu phong tỏa mới nên diễn biến dịch bệnh còn phức tạp. Điều TP.HCM cần làm là phải tận dụng được thời gian để khoanh vùng và dập dịch.

Dự kiến ngày mai Viện Pasteur TP.HCM sẽ giải xong trình tự gen, khi đó chúng ta mới biết được những vùng đột biến của virus này có trùng hợp với đột biến của các loại virus khác ở Anh, Nam Phi hay không.

Nếu như trước đây chu kỳ của virus thường từ 5-7 ngày thì hiện nay được rút ngắn chỉ còn 3-4 ngày. Do đó tùy vào chủng virus, chúng ta sẽ biết được cơ hội theo dấu còn nhiều hay ít.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thứ trưởng Bộ Y tế: Có thể F2 dương tính với Covid-19 không phải lây từ F1 mà từ nguồn có sẵn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO