Thụ tinh ống nghiệm để làm mẹ đơn thân, quyết định táo bạo

Lệ Hà| 06/01/2025 08:23

Phụ nữ ngày nay càng độc lập, tự chủ, càng có nhiều người lựa chọn trở thành mẹ đơn thân. Chị em tìm đến các phương pháp hỗ trợ sinh sản.

Thụ tinh ống nghiệm để làm mẹ đơn thân, quyết định táo bạo
Các bác sĩ kiểm tra chất lượng tinh trùng trong phòng vô trùng. Nhiều phụ nữ xin tinh trùng hiến tặng làm mẹ đơn thân. Ảnh: Thuỳ Hương

Nhiều phụ nữ xin tinh trùng hiến tặng để làm "single mom"

Sau thời gian dài suy nghĩ, chị Lê Thanh Thủy (sinh năm 1987, ở Hà Nội) quyết định làm mẹ đơn thân. “Tôi đã có ý định này khi mới bước qua tuổi 30 nhưng chần chừ mãi giờ mới quyết tâm thực hiện. Tôi nghĩ rằng, không muốn lập gia đình nhưng muốn làm mẹ chỉ có một cách là tìm tới nguồn tinh trùng hiến tặng” - chị Thủy kể.

Để đi tới quyết định này, chị Thủy đã chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt từ tư tưởng tới kinh tế. “Việc xin tinh trùng để sinh con được xem là quyền cá nhân của phụ nữ đơn thân tại nhiều quốc gia phát triển. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều người lo ngại về các vấn đề đạo đức và tác động xã hội. Tôi phải vượt qua chính bản thân mình cũng như làm tư tưởng cho người thân”, chị Thủy chia sẻ thêm.

Sau lần chuyển thành công với chi phí không nhỏ, giờ đây, đã bước vào những ngày cuối của thai kì, chị Thủy đang nóng lòng chờ đón đứa con của mình.

Bác sĩ Tăng Đức Cương - Giám đốc Đông Đô IVF Center, Bệnh viện Đông Đô - cho biết, căn cứ vào Khoản 1 Điều 3 và Điều 5 Nghị định 10/2015/NĐ-CP, phụ nữ độc thân hoàn toàn có quyền được sinh con với các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nếu có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Trường hợp phụ nữ độc thân có noãn đảm bảo chất lượng, có nhu cầu sinh con thì hoàn toàn có quyền xin/nhận tinh trùng để tự sinh con.

Ngân hàng tinh trùng. Ảnh: Hoa Long
Ngân hàng tinh trùng. Ảnh: Hoa Long

Bên cạnh các quy định về pháp luật, việc nữ giới chưa kết hôn có thể thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản thành công hay không cũng cần dựa trên tình trạng sức khỏe của từng người. Bởi khả năng sinh sản của phụ nữ phụ thuộc lớn vào độ tuổi. Khi tuổi tác càng cao, dự trữ buồng trứng và chất lượng trứng giảm, các vấn đề về nội tiết và chức năng sinh sản tăng dần. Vì vậy, tỉ lệ thành công khi sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản ở mỗi độ tuổi sẽ khác nhau.

Hiện nay, có một số cơ sở thực hiện mơ ước làm mẹ của phụ nữ độc thân nhờ xin nguồn tinh trùng hiến, tặng. Bác sĩ Tăng Đức Cương cho hay, Bệnh viện Đông Đô có thực hiện kỹ thuật này nhưng số lượng thực hiện không nhiều. Mẹ đơn thân có thể xin tinh trùng vô danh để làm mẹ ở nhiều cơ sở được phép.

Cũng theo bác sĩ Tăng Đức Cương, phụ nữ độc thân hoàn toàn có quyền được thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo (IUI) và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để làm mẹ đơn thân nếu đáp ứng các điều kiện: Đủ 20 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự, có sức khỏe sinh sản tốt, chưa từng kết hôn hoặc đã ly hôn, ly dị, vợ chồng đã chết, không mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có giấy xác nhận độc thân do UBND xã/phường nơi cư trú cấp.

Pháp luật Việt Nam cho phép phụ nữ độc thân có thể xin tinh trùng và phôi (sản phẩm kết hợp giữa trứng và tinh trùng) để sinh con bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản, theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Hiện cả nước có 53 trung tâm hỗ trợ sinh sản. Tất cả các đơn vị này đều có thể thực hiện IVF, tập trung nhiều nhất ở ba nhóm khách hàng: Các cặp đồng tính muốn có con, phụ nữ đã ly hôn và phụ nữ chưa từng kết hôn.

Xu hướng thích độc thân

Tại Việt Nam, theo thống kê của Tổng cục Thống kê, tỉ lệ người độc thân có xu hướng tăng nhanh, tỉ lệ người độc thân tăng 3,87% trong 15 năm (2004 - 2019). Một phần người trẻ ngày nay chọn tập trung cho sự nghiệp, trải nghiệm thêm nhiều điều mới mẻ, học các kỹ năng mới để hoàn thiện bản thân.

Nguyễn Hương Phương (sinh năm 1995, ở Hà Nội) đang công tác tại một ngân hàng có ý định không kết hôn nhưng muốn làm mẹ. Bản thân Hương Phương cũng có cách sống khá khác biệt. Từ nhỏ là con gái nhưng càng lớn phong cách đến tính nết của Phương lại mang hướng nam tính. Lo lắng trước sự thay đổi của con gái, mẹ Phương đã “to nhỏ” để con đồng ý đi kiểm tra sức khỏe. Phương hoàn toàn khỏe mạnh và là phụ nữ đích thực. Phương không muốn lấy chồng nhưng tương lai Phương vẫn muốn làm mẹ.

"Hiện nay, nhiều người còn có cái nhìn chưa “thoáng” về việc này. Tại Việt Nam, nhiều người lo ngại về các vấn đề đạo đức và tác động xã hội. Quan niệm truyền thống: Ở Việt Nam, gia đình thường bao gồm bố mẹ và con cái. Việc phụ nữ đơn thân nuôi con có thể gây áp lực từ dư luận xã hội. Quyền lợi của trẻ em: Trẻ sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo có thể đối mặt với những thách thức về tâm lý khi thiếu vắng hình bóng người cha. Hy vọng trong tương lai, việc phụ nữ độc thân làm mẹ sẽ được nhìn cởi mở hơn. Việc xin tinh trùng để sinh con được xem là quyền cá nhân của phụ nữ đơn thân tại nhiều quốc gia phát triển”- Hương Phương thẳng thắn chia sẻ.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, thủ tục xin tinh trùng đối với trường hợp làm mẹ đơn thân thì cần giấy xác nhận bạn đang độc thân. Để thực hiện xin tinh trùng, người có nhu cầu cầu vận động một nam thanh nhiên trên 20 tuổi tình nguyện thực hiện việc hiến tinh trùng. Ở Việt Nam, việc sử dụng mẫu tinh trùng sẽ được thực hiện trên nguyên tắc vô danh. Vì vậy, sau khi qua các bước kiểm tra, sàng lọc, người nam hiến tinh đáp ứng được các nhu cầu thì mẫu tinh trùng của người hiến tinh sẽ được nhận vào ngân hàng và được “tráo đổi” với một mẫu khác nhằm đảm bảo tính bảo mật.

Người hiến và người nhận được mẫu sẽ không biết thông tin liên lạc của nhau. Người hiến tinh trùng hoàn toàn được miễn trừ các nghĩa vụ pháp lý đối với em bé được sinh ra từ tinh trùng hiến tặng (nếu có). Người hiến tinh trùng đảm bảo tự nguyện và Chỉ thực hiện hiến tinh trùng tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (IVFTA) HCMC. Đồng nghĩa với việc người hiến tinh trùng chỉ tình nguyện hiến cho một trung tâm duy nhất, nơi được Bộ Y tế cấp phép được thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Tinh trùng hiến/tặng sau hiến tặng chỉ được dùng cho một người. Trong trường hợp cặp vợ chồng/người phụ nữ độc thân sinh con không thành công nhưng không có nhu cầu sử mẫu còn lại, mẫu tinh trùng sẽ được hủy (lưu ý: tinh trùng dư không cho cặp vợ chồng khác sử dụng). Trường hợp sinh con thành công (một em bé) thì mẫu tinh trùng chưa sử dụng sẽ được hủy.

Theo Ths.BS Giang Huỳnh Như - Giám đốc trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVFTA-HCMC, khi tiếp xúc với những người phụ nữ quyết định làm mẹ đơn thân, họ từng hỏi có nên nói với con hoặc nói như thế nào khi con biết mình sinh ra từ ngân hàng tinh trùng.

Một điều tại IVFTA-HCMC là tất cả trường hợp có chỉ định xin tinh trùng từ ngân hàng đều được thực hiện tham vấn tâm lý. Đây là một cuộc đánh giá bắt buộc giúp hỗ trợ bệnh nhân về lựa chọn trong tương lai, cách đối mặt và tiếp nhận những câu hỏi của con, khi người phụ nữ quyết định nói với em bé được sinh ra từ ngân hàng tinh trùng thì sẽ nói tại thời điểm nào và cách nói như nào.

* Tên các nhân vật đã được thay đổi.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/y-te/thu-tinh-ong-nghiem-de-lam-me-don-than-quyet-dinh-tao-bao-1445721.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/y-te/thu-tinh-ong-nghiem-de-lam-me-don-than-quyet-dinh-tao-bao-1445721.ldo
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thụ tinh ống nghiệm để làm mẹ đơn thân, quyết định táo bạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO