Xã Song Hồ vốn được mệnh danh là “đại công xưởng vàng mã” hay “thủ phủ vàng mã” lớn vào loại hàng đầu cả nước.
Gần sát ngày ông Công ông Táo và Tết Nguyên đán, do nhu cầu cúng lễ của người dân tăng đột biến nên ngày nào ôtô cũng nối đuôi nhau vào làng thu gom hàng đi tiêu thụ.
Với quan niệm “trần sao, âm vậy”, các mặt hàng vàng mã ở đây rất đa dạng, kiểu dáng phong phú và bắt mắt. Dù được làm với nguyên liệu là giấy, hồ, tre, nứa… nhưng các sản phẩm đều được chau chuốt trong từng chi tiết nhỏ nhất.
Hiện nay, việc làm đồ mã tại Song Hồ đã bắt đầu được thực hiện chuyên môn hóa, tức là mỗi gia đình chỉ làm từ 2 đến 3 món đồ chuyên biệt. Nhờ sự chuyên môn hóa nên năng suất lao động và chất lượng sản phẩm đồ mã tại Song Hồ nức tiếng cả nước.
Theo người dân nơi đây, họ vừa phải chuẩn bị sản phẩm cho ngày cúng ông Công ông Táo, vừa phải tập trung làm hàng dự trữ để phục vụ lễ khai xuân và giải hạn trong suốt 3 tháng đầu năm mới.
Chị Nguyên Thị Yên (Song Hồ, Bắc Ninh) cho biết, những ngày này, khách hàng từ các tỉnh lận cận tới đặt mua liên tục, toàn bộ nhân công ở đây phải hoạt động liên tục từ sáng tới tối.
“Tất cả các chi tiết hàng mã đều được chuẩn bị trước từ mùa hè. Tôi phải thuê thêm nhân công làm việc để kịp tiến độ chuyển đi đại lý ở khắp nơi. Khách hàng chủ yếu là các tỉnh phía Bắc, họ nhập cả chục xe tải để đem đi đổ buôn”, chị Yên nói.
Theo quan sát, mỗi bộ vàng mã cúng ông Công ông Táo bao gồm mũ cánh chuồn, hia, quần áo đều được làm từ giấy, người Song Hồ làm rất nhanh và mẫu mã đẹp nên rất được ưu chuộng. Giá mỗi bộ dao động từ 35.000 - 300.000 đồng/bộ tùy chất liệu và kích cỡ.
Tại xưởng sản xuất của ông Nguyễn Thế Tiến (Song Hồ, Bắc Ninh) hiện tại ghi nhận mức tiêu thụ lớn. “Năm nay, do giá nguyên vật liệu nhập vào đắt đỏ nên giá các mặt hàng cũng sẽ tăng thêm từ 5-10% so với năm ngoái”, ông Tiến chia sẻ.
Ngoài những sản phẩm được làm theo lô, gia đình ông Tiến cũng nhận làm những sản phẩm độc, thuộc dòng “xa xỉ” như hàng mã dạng xe hơi, hay cây tài lộc đô la, du thuyền…
Di chuyển gần 200km để tới tận đây nhập hàng, ông Nguyễn Xuân Vân (Thanh Hóa) cho biết: “Đồ mã được sản xuất trong nước nên có giá khá tốt so với nhập đồ Trung Quốc. Mọi năm, tôi đều nhập hàng ở đây để bán. Năm nay, tôi nhập gần 1.000 sản phẩm mỗi loại”.