Tại cuộc tọa đàm "Thu phí không dừng: Quyền lợi và trách nhiệm" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 29/7, những thắc mắc về việc xử phạt, bất cập trong thu phí tự động không dừng (ETC) được đặc biệt quan tâm khi bắt đầu từ 1/8 sẽ triển khai trên các tuyến cao tốc toàn quốc.
Lỗi do trạm xử lý ra sao?
Theo Nghị định 100/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 123, nếu lái xe vi phạm quy định sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng. Tuy nhiên, trong trường hợp người điều khiển xe tuân thủ các quy định về thu phí tự động không dừng nhưng trạm ETC xảy ra lỗi thì sự cố thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Có bị xử phạt hay không? Xử phạt như thế nào?
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng đã quy định phải bình đẳng, bình đẳng giữa người dân, bình đẳng với đối tượng phục vụ, người cung cấp dịch vụ. Nhà cung cấp dịch vụ, trạm ETC không hoàn thành cũng phải xử lý theo quy định.
"Người dân vi phạm bị phạt từ 1-2 triệu đồng. Trong hợp đồng dịch vụ giữa nhà cung cấp dịch vụ và chủ đầu tư cũng đã khẳng định với nhau nếu sai lỗi do chủ đầu tư thì cũng bị phạt, nhà cung cấp dịch vụ cũng bị phạt. Ngoài ra, về trách nhiệm là thực thi nhiệm vụ đối với các cơ quan đơn vị cũng phải nghiên cứu để xử lý. Anh làm mà không đúng về nguyên tắc anh phải bồi thường cho người sử dụng dịch vụ" - Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định và dẫn chứng mới đây có một số trường hợp lỗi do máy móc, thiết bị gây ra nên VETC chịu trách nhiệm và có sự giám sát chặt chẽ.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ GTVT, đối với cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Thanh tra Bộ GTVT thường xuyên kiểm tra giám sát.
"Chúng tôi biết đây là giai đoạn đầu nên rất khó khăn, có nhiều vấn đề. Bộ GTVT đang chỉ đạo rất sát vấn đề này. Chúng ta làm sao phối hợp tháo gỡ, từng bước tạo sự đồng thuận thống nhất, dần dần hoàn thiện quy trình để khai thác. Khi có những phản ánh của người dân, của chủ phương tiện về bất cập là chúng ta phải ghi nhận, nghiên cứu xử lý và bổ sung. Các nhà cung cấp dịch vụ như VETC, VDTC, các chủ đầu tư theo hình thức BOT trên các quốc lộ cũng phải ý thức về vấn đề này" - Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ GTVT nêu rõ quan điểm những gì tốt nhất cho người dân thì làm. Tất cả những tình huống khi áp dụng thu phí không dừng đều đã lường đến. Mục tiêu là tuyên truyền cho người dân hiểu được những lợi ích khi người dân sử dụng dịch vụ này và người dân ủng hộ, đồng hành để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ này. Hệ thống ETC trong quá trình sử dụng sẽ có những vấn đề trục trặc xảy ra, nếu phản ánh của người dân kịp thời, Bộ GTVT sẽ tập trung xử lý.
"Có rất nhiều trường hợp chủ phương tiện đi vào làn tự động mà không đủ tiền hoặc chót đi rồi thì chúng tôi có những phương án phối hợp với người dân để xử lý vừa nhân văn, vừa tôn trọng như hướng dẫn làn xe đưa phương tiện đến nơi dán thẻ. Đến thời điểm này, tuy các chủ phương tiện có thắc mắc, có phản ánh nhưng khi được giải thích, phối hợp thực hiện thì họ rất vui vẻ. Vì thế chúng tôi có niềm tin khi đã làm được những điều đem lại lợi ích cho người dân. Còn những trường hợp cố tình vi phạm, chống đối, gây mất trật tự thì chúng tôi có chế tài để xử lý theo pháp luật" - ông Thọ cho biết thêm.
Về phía đơn vị cung cấp dịch vụ, ông Bùi Trình - Tổng Giám đốc VDTC - đồng tính với ý kiến của Thứ trưởng Bộ GTVT và cho rằng phải có những bộ đánh giá, giám sát, bởi nguyên nhân xe không đi được qua trạm cũng do một phần tài khoản không đủ tiền, hoặc thẻ dán bên ngoài xe có thể hỏng hóc, bong tróc. VDTC sẽ có tính năng cảnh báo tiền trong tài khoản cho khách hàng và mong muốn Bộ GTVT ban hành bộ tiêu chuẩn đánh giá giống như mạng viễn thông.
Ba hành vi vi phạm bị phạt
Về việc xử lý vi phạm, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an - cho biết, lực lượng CSGT là lực lượng thực thi quy định pháp luật. Tuy nhiên lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng công an nói chung, trong đó có lực lượng CSGT là lấy người dân làm trung tâm. Do vậy, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm ở trạm thu phí, chúng tôi đặt công tác tuyên truyền lên trên hết.
"Trước mắt chúng tôi tuyên truyền cho người dân hiểu được quyền lợi của mình khi đi trên cao tốc với dịch vụ thu phí không dừng, đồng thời gắn với trách nhiệm của họ. Chúng tôi chỉ xử phạt những hành vi cố tình vi phạm" - Thiếu tướng Lê Xuân Đức nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng Cục CSGT thông tin, có 3 hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 123. Cụ thể: Hành vi không dán thẻ đầu cuối khi đi vào trạm thu phí ETC; số tiền trên tài khoản người dân không đủ để thanh toán; điều khiển phương tiện đi vào trạm thu phí không dừng.
"Chúng tôi cũng phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ để làm sao thuận lợi nhất cho người dân. Lực lượng CSGT tập trung xử phạt vi phạm hành chính qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ là hình ảnh, qua đó trích xuất để xử phạt qua thông báo vi phạm để nâng cao ý thức chấp hành của người dân" - Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho hay.
Nhiều người băn khoăn về việc cao tốc không còn làn thu phí thủ công, nếu lái xe chưa dán thẻ đi vào cao tốc thì có được hỗ trợ dán thẻ, nạp tiền tiếp tục lưu thông hay buộc phải quay xe đi sang quốc lộ...
Ông Phạm Hồng Quang - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - cho biết, theo quy trình vận hành, hợp tác giữa VEC với các đơn vị cung cấp dịch vụ hiện vẫn đang tổ chức cung cấp dịch vụ dán thẻ tích hợp tài khoản tại tất cả các lối dẫn vào đường cao tốc. Các phương tiện khi vào đường cao tốc đều được hỗ trợ ngay trong giai đoạn này cũng như giai đoạn khai thác sau ngày 1/8, duy trì lực lượng đó 24/24h và 7/7 ngày.