Thứ nông dân thường vứt đầy đồng không ngờ là 'mỏ vàng'

10/12/2023 11:53

Rơm khô trước kia thường bị nông dân đốt bỏ ngoài đồng. Hiện nhiều người đã chú trọng đến giá trị của rơm rạ và thương mại hóa sản phẩm. Thứ phụ phẩm nông nghiệp này đang trở thành 'mỏ vàng' với nhiều giá trị, tăng nguồn thu nhập cho nông dân.

Ở nước ta, việc tận thu rơm rạ ở nhiều địa phương trước đây chưa được chú trọng. Người dân sau khi thu hoạch lúa đều bỏ rơm lại đồng, sau đó đem đốt gây ra cảnh khói bụi mù mịt. Việc này không những lãng phí nguồn rơm lớn mà còn gây ô nhiễm không khí và làm ngột ngạt làng quê.

Trước thực trạng này, chính quyền một số địa phương ở vùng đồng bằng sông Hồng đã phải ra văn bản khuyến cáo, nghiêm cấm người dân không đốt rơm rạ, đốt đồng… để bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người đã bắt đầu chú ý đến giá trị của rơm rạ và thương mại hóa sản phẩm.

Nhiều người nhận thấy nhu cầu sử dụng rơm rạ cho cây trồng nông nghiệp và chăn nuôi tăng cao nên đã sáng chế những chiếc máy cuốn rơm để thu gom rơm và bán lại.

thu gom rom 05102023c.jpeg
Thu gom rơm rạ.

Việc thu mua rơm rạ vừa khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên và bảo vệ môi trường vừa tăng thu nhập cho nông dân, biến rơm thành một loại hàng hóa giá trị. Hơn nữa, việc thu hoạch rơm rạ sẽ giúp cho khâu làm đất các vụ mùa sau dễ dàng hơn khi rơm rạ trong thời gian ngắn chưa kịp hoai mục, trở thành vật cản gây khó khăn cho làm đất khi trồng vụ lúa mới.

Trên thực tế, tại một số nơi ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng Bắc Bộ, thời gian qua, một phần rơm sau mỗi vụ lúa đã được thu gom và tái sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như trồng nấm, làm chất đốt, phân bón, làm vườn và thức ăn gia súc… Nhiều nông dân có khoản thu không hề nhỏ từ việc bán rơm rạ.

Cứ xong vụ gặt, trên nhiều cánh đồng ở Việt Nam, máy cuộn rơm lại tất bật vào việc. Mỗi cuộn rơm nặng từ 15-17 kg, cao khoảng 50cm, hiện có giá từ 25.000-35.000 đồng/cuộn. Vài năm trước, giá rơm cuộn tăng mạnh, có thời điểm lên đến hơn 50.000 đồng/cuộn.

Hiện ở nhiều nơi, rơm được thương lái đến tận ruộng thu mua. Những cuộn rơm này được các trang trại chăn nuôi bò, nuôi rươi, trồng nấm, trồng thanh long, trồng hồ tiêu, trồng cà phê... mua rất nhiều.

Những cuộn rơm ẩm, hình thức không đẹp mắt thường được thu mua để lót đầm rươi, làm chế phẩm sinh học để trồng nấm, giá thể... Loại rơm đẹp là vàng đều và nhìn rất óng, khô, loại này thường những người nuôi bò sẽ mua lại. Giá cả của rơm dính nước cũng rẻ hơn khoảng vài nghìn đồng/cuộn.

Thậm chí, bã rơm sau trồng nấm đã hoại mục còn được tận thu để làm phân bón hữu cơ, quay vòng để tái tạo đất. Việc này giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng dinh dưỡng cho đất theo hướng hữu cơ và có tác dụng bảo vệ môi trường.

Trên các sàn thương mại điện tử, rơm khô cũng được các gian hàng rao bán rầm rộ. Giá rơm khô khoảng 15.000 đồng/kg. Theo quảng cáo của người bán, rơm khô được dân trồng cây cảnh ưa chuộng bởi chúng có tác dụng làm tăng độ xốp, độ thông thoáng cho đất.

Theo tính toán của các chuyên gia nông nghiệp, mỗi năm, Việt Nam sản xuất khoảng 50 triệu tấn rơm, khoảng 60% lượng rơm này vẫn bị đốt bỏ trên đồng sau mỗi vụ thu hoạch. Nguyên nhân chính là do thiếu giải pháp công nghệ và thị trường, giá thu mua rơm còn thấp.

Trong khi đó, có thể cải tiến nâng cấp chuỗi giá trị sản xuất lúa và tận dụng nguồn rơm rạ để làm nấm, thức ăn gia súc, ủ phân, chế biến nhựa sinh học… Nếu toàn bộ số rơm rạ sau thu hoạch của cả nước được xử lý sẽ đem lại hơn 3 triệu tấn phân hữu cơ. Như thế, người nông dân không phải bỏ nhiều tiền mua phân hóa học.

Ngoài ra, rơm còn là nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm mỹ nghệ, làm giấy viết, trang trí phục vụ cho du lịch.

rom kho 1.jpg
Tết rơm khô thành các con thú xuất ngoại (Ảnh: Dân Trí)

Đáng chú ý, nghề quấn, tết rơm khô thành các con thú xuất ngoại hình thành ở một số xã của huyện Kim Sơn (Ninh Bình) khoảng hơn chục năm nay. Nguyên liệu chính để làm các con thú rơm là rơm tám thơm sấy khô. Những cọng rơm khô này được tết thành các con vật có hình thù ngộ nghĩnh. Khi xuất sang Nhật, chúng trở thành những con thú linh thiêng dùng để thờ cúng.

Nhờ nghề quấn rơm khô mà nhiều nông dân nơi đây có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm, thoát nghèo, nuôi các con ăn học.

Vài năm gần đây, rơm đã được xuất khẩu. Năm 2020, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Rơm Việt ở xã Đông Xuyên (Tiền Hải, Thái Bình) được xem là đơn vị đầu tiên xuất khẩu rơm ra nước ngoài. Công ty này đã thu mua gần 1.000ha phụ phẩm rơm sau thu hoạch vụ mùa của nông dân để chế biến thành sản phẩm xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Theo đó, rơm được xử lý khô tới 90% rồi dệt thành mành và sấy khô ở nhiệt độ rất cao. Các sản phẩm rơm này được phía đối tác Hàn Quốc thu mua để che phủ cho các loại cây nông nghiệp tránh tuyết vào mùa đông, đặc biệt là cây sâm.

Theo giới chuyên gia, ở nước ta, nhiều nông dân đã bán rơm hoặc tận dụng làm nấm rơm để kiếm thêm thu nhập thay vì đốt bỏ gây lãng phí. Nhưng nguồn thu nhập này sẽ cao hơn nữa nếu có sự liên kết làm ăn với các doanh nghiệp và có đầu ra ổn định. Khi đó, người dân sẽ cung ứng rơm cho các doanh nghiệp chế biến để xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản hay một số thị trường tiềm năng khác.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/thu-nong-dan-thuong-vut-day-dong-khong-ngo-la-mo-vang-2225131.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/thu-nong-dan-thuong-vut-day-dong-khong-ngo-la-mo-vang-2225131.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thứ nông dân thường vứt đầy đồng không ngờ là 'mỏ vàng'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO