Thứ người Việt dùng hàng ngày là nơi ưa thích của mầm mống ung thư

Minh Nhật| 07/05/2022 07:27

Đây là 2 món đồ sử dụng thường xuyên nên dễ bị mài mòn theo thời gian và xuất hiện các vết nứt quanh bề mặt, tạo cơ hội cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển.

Loại độc tố mạnh gấp 68 lần thạch tín

Thứ người Việt dùng hàng ngày là nơi ưa thích của mầm mống ung thư - 1

Aflatoxin là độc tố vi nấm sản sinh tự nhiên bởi một số loài Aspergillus (một loại nấm mốc). Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã phát hiện khoảng 16 loại aflatoxin khác nhau, chia làm ba nhóm chính:

- Aflatoxin B: Gồm aflatoxin B1 và B2. Aflatoxin B1 là aflatoxin phổ biến nhất và độc nhất.

- Aflatoxin G: Gồm aflatoxin G1 và aflatoxin G2.

- Aflatoxin M: Gồm aflatoxin M1 và M2. Các aflatoxin này là các sản phẩm trao đổi chất được tìm thấy trong nước tiểu và sữa động vật.

Sau khi vào cơ thể, aflatoxin chủ yếu được gan chuyển hóa thành một loại dẫn xuất khác, có khả năng gắn chèn với ADN nên gây ra đột biến gen. Nếu đột biến gen khiến tế bào phân chia không ngừng nghỉ thì sẽ khởi phát ung thư. Tiếp xúc lâu dài với aflatoxin nồng độ cao cũng được xác định là nguyên nhân chính gây ung thư gan.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng cho thấy aflatoxin độc hơn asen (thạch tín) tới 68 lần. Việc hấp thu 1mg aflatoxin có thể gây ung thư và 20mg đủ gây ra cái chết cho một người trưởng thành.

Trên thế giới, aflatoxin cũng được cho nguyên nhân của 25.200-155.000 trường hợp ung thư tế bào gan hàng năm, chiếm 5-28% tổng số gan ung thư tế bào gan trên thế giới. Aflatoxin hiện diện ở nhiều loại thực phẩm và theo ước tính, khẩu phần ăn của người sống tại vùng Đông Nam Á có tổng lượng aflatoxin trung bình một ngày là 30-100 ng/kg thể trọng/ngày. Hàm lượng phơi nhiễm trung bình này có liên quan đến nguy cơ ung thư tế bào gan do chất này là 3-10 ca/1 triệu dân/năm.

Đũa và thớt gỗ không vệ sinh đúng cách là nơi "ẩn náu" ưa thích của aflatoxin

Thứ người Việt dùng hàng ngày là nơi ưa thích của mầm mống ung thư - 2

Đây là 2 món đồ sử dụng thường xuyên nên dễ bị mài mòn theo thời gian và xuất hiện các vết nứt quanh bề mặt, tạo cơ hội cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển.

Bản chất những chất liệu tạo nên đũa không phải là môi trường lý tưởng để dễ dàng sản sinh ra vi khuẩn, nấm mốc. Tuy nhiên, nếu không rửa sạch sẽ sau khi ăn, thức ăn có hàm lượng tinh bột cao như: gạo, ngô, đậu… trong thời gian dài sẽ trở thành điều kiện để vi khuẩn có hại sinh sôi, nảy nở.

Trong khi đó, thớt sau khi dùng để chế biến thực phẩm có thể bám những mảnh vụn của thức ăn. Lâu ngày những thứ này sẽ biến đổi thành các loại vi khuẩn nguy hiểm. Cũng như đũa mốc, thớt bẩn cũng hình thành nên nấm mốc mang chất aflatoxin.

Điều đáng chú ý là việc chùi rửa bình thường cũng không thể loại bỏ sạch aflatoxin. Bởi lẽ, aflatoxin chịu được nhiệt độ rất cao, lên đến hơn 280 độ C. Vì vậy, biện pháp trụng nước sôi đồ vật hoàn toàn vô dụng. Cách tốt nhất là nên đem thớt mốc phơi nắng trong nhiều giờ sau khi làm vệ sinh sạch sẽ để tránh rước bệnh vào người.

Theo các chuyên gia, thớt gỗ hay đũa gỗ cần được thường xuyên phơi nắng để không bị nấm mốc. Tốt nhất nên thay sau 6 tháng sử dụng để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/thu-nguoi-viet-dung-hang-ngay-la-noi-ua-thich-cua-mam-mong-ung-thu-20220506162534282.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/suc-khoe/thu-nguoi-viet-dung-hang-ngay-la-noi-ua-thich-cua-mam-mong-ung-thu-20220506162534282.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thứ người Việt dùng hàng ngày là nơi ưa thích của mầm mống ung thư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO