Quyết định dũng cảm
27 tuổi, trong khi nhiều bạn bè có công việc ổn định thì Hồ Quốc Tường (quê Quảng Trị) vừa nhận tấm bằng cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Gia Định.
Trong mới đây, câu chuyện về nỗ lực của Tường đã nhận được sự ngưỡng mộ, đồng cảm của nhiều người tham dự.
Trở thành thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc toàn khóa với điểm trung bình (GPA) đạt 3.8/4, Tường nói kết quả này là cả một hành trình dài đầy thăng trầm.
Năm 2015, khi đang học năm thứ hai ngành công nghệ thông tin của một trường ĐH ở Huế, Tường bỏ ngang.
Nam sinh cho biết lúc đó mới chỉ 20 tuổi, bản thân bị mất phương hướng, không biết học để làm gì, cộng thêm kinh tế gia đình khó khăn nên nghỉ giữa chừng.
Trong 3 năm bỏ học, Tường làm nhiều công việc, từ nhân viên bán hàng đến marketing nhưng rồi chàng trai Quảng Trị nhận ra rằng mình không đủ kiến thức chuyên môn hay nền tảng để xây dựng một sự nghiệp vững chắc.
"Một ngày, em tự hỏi mình, chẳng lẽ cứ mãi giậm chân ở công việc không ổn định như thế này? Muốn có mức lương tốt hơn, sự nghiệp vững chắc cần phải có kiến thức ở bậc đại học", Tường nhớ lại.
Nghĩ đến đó, Tường trăn trở bởi phía trước sẽ phải đối mặt với cảnh vay mượn, làm thêm liên tục vì phải tự lo mọi chi phí.
Sau nhiều ngày đấu tranh tư tưởng, Tường quyết định quay lại học đại học. Nam sinh gọi cột mốc ấy là một "quyết định dũng cảm".
"Em có 2 quyết định lớn. Thứ nhất là đi học lại. Thứ hai, chọn ngành gì. Em đam mê công nghệ thông tin từ nhỏ nhưng đã bỏ dở nó. Vậy học lại sẽ chọn thiết kế hoặc ngoại ngữ", Tường nói.
Nghe tin, bố mẹ Tường lo lắng, không nghĩ cậu con trai có thể trụ được nếu vừa làm vừa học. Bố mẹ đặt ra nhiều câu hỏi về tiền học phí và sinh hoạt và những khó khăn khi phải bắt đầu lại từ số 0.
"Thật ra lúc đó em cũng sợ, nhưng nghĩ đến gia đình, tương lai bản thân, em quyết tâm đi học lại. Có lẽ vì từng đi làm, biết thực tế cuộc sống khó khăn nên em quyết tâm, kỷ luật hơn xưa", Tường cho hay.
Làm việc 16 tiếng để trang trải cuộc sống
Năm 2019, Tường vào TPHCM và nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Gia Định. Thời gian này, nam sinh lao vào làm nhiều công việc như phục vụ quán ăn, chạy xe công nghệ, dạy thêm,... để kiếm tiền nộp học phí và trang trải cuộc sống.
Có một quãng thời gian, nam sinh phải làm việc 16 tiếng để trang trải chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở Sài Gòn và đóng học phí. Chuyện vừa học vừa làm rất khó khăn, Hồ Quốc Tường đã cố gắng rất nhiều.
Tường nói, nhiều khi em cũng cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi, muốn buông xuôi. Những lúc như thế, chàng trai lại nghĩ về gia đình, về bố mẹ và tự động viên mình cố gắng, không để gia đình phải thất vọng thêm lần nữa.
"Em tìm cách sắp xếp thời gian học hợp lý hơn. Trong lúc chạy xe, di chuyển từ điểm này qua điểm khác em cũng tranh thủ nghe tiếng Anh hoặc bài giảng. Em học mọi lúc có thể, không chờ đến tối vì lúc đó đi làm về quá mệt, không có sức để học bài", Tường kể.
Để đảm bảo việc học khi lịch làm thêm dày đặc, tân thủ khoa nói kinh nghiệm là đều xem và học trước nội dung của buổi hôm sau, tìm hiểu kỹ yêu cầu của giáo viên.
"Em quyết tâm để đạt được điểm số cao và đặt mục tiêu là người đạt điểm cao nhất lớp. Kết quả cuối cùng, em đã trở thành thủ khoa đầu ra của trường", chàng trai Quảng Trị chia sẻ, trong đôi mắt ánh lên niềm tự hào.
Nhiều lần nhìn lại quyết định bỏ học giữa chừng, Tường thừa nhận đó là quyết định sai lầm nhưng không hối tiếc.
Nam sinh cho biết, em đã chọn sai và phải trả giá. Thời gian, quãng đường em đi dài hơn bạn bè đồng trang lứa nhưng điều đó cũng rèn luyện cho Tường sự kiên trì, nhẫn nhịn, lắng nghe, chấp nhận thất bại và từ bỏ cái tôi.
"Mỗi trải nghiệm mang đến cho em một bài học. Ngay cả công việc phục vụ tại quán ăn nhanh, ai cũng có thể làm được, nhưng qua đó em học được là sự kiên nhẫn, chấp nhận mặc dù công việc rất cực khổ và áp lực", thủ khoa Hồ Quốc Tường bày tỏ.
ThS Trần Thái Thông - Phó trưởng khoa phụ trách Khoa học Xã hội và Ngôn ngữ - đánh giá Hồ Quốc Tường có nền tảng tiếng Anh khá ngay từ đầu và rất chăm chỉ. Dù đi làm thêm nhưng Tường vẫn hoàn thành tốt trách nhiệm của một lớp trưởng, chủ động giúp đỡ các bạn trong học tập.
Vị giảng viên đánh giá cao về ý chí của chàng trai quê Quảng Trị. Ông Thông cho rằng việc bắt đầu lại con đường ĐH sau 3 năm đi làm đã không dễ, em còn phải tự lo cho bản thân nhưng vẫn luôn đạt điểm cao.
Sau khi tốt nghiệp, Tường được trường giữ lại làm việc và dự định học lên thạc sĩ. Chàng trai vẫn duy trì công việc làm thêm tại công ty chuyên về máy ảnh và mở lớp dạy tiếng Anh vào buổi tối.
"Em ao ước công việc mình làm có thể đem lại giá trị lâu dài cho cộng đồng, xã hội và em nghĩ giáo dục là một trong những ngành như vậy. Mục tiêu tới đây, em sẽ tiếp tục trau dồi kiến thức để đủ điều kiện trở thành một giảng viên", Hồ Quốc Tường chia sẻ.