Đề nghị 35 công đoàn cơ sở y tế góp ý dự thảo Nghị quyết
Ngày 23.8, Công đoàn ngành Y tế Đồng Nai vừa có văn bản đề nghị 35 công đoàn cơ sở trực thuộc đóng góp ý kiến để xây dựng, hoàn chỉnh Nghị quyết về chính sách thu hút, hỗ trợ viên chức, nhân viên ngành Y tế tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2027, để từ đó Thường trực công đoàn ngành báo cáo Sở Y tế.
Theo đề cương chi tiết mới nhất của dự thảo Nghị quyết về chính sách thu hút, hỗ trợ viên chức, nhân viên ngành y tế tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2027: Tiến sĩ, bác sĩ CKII nếu về công tác tại một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh sẽ được nhận chế độ thu hút từ 300 – 350 triệu đồng; thạc sĩ, bác sĩ CKI, bác sĩ nội trú được nhận 250 - 300 triệu đồng; bác sĩ hệ chính quy 6 năm tốt nghiệp tại các trường đại học Y dược sẽ được nhận 250 triệu đồng.
Trong khi đó, đối với chính sách hỗ trợ, bác sĩ đang làm việc hiện nay chỉ được hỗ trợ từ 3-4 triệu đồng/tháng, còn các nhân viên y tế khác như điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên y, dược, y tế cộng đồng chỉ được hỗ trợ từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Thấp nhất là nhân viên y tế khu phố tại các phường và thị trấn được hỗ trợ 477.000 đồng/tháng.
Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, nhiều bác sĩ, điều dưỡng, lãnh đạo các bệnh viện mong muốn Nghị quyết sớm được thông qua để hỗ trợ kịp thời cho nhân viên y tế.
Bác sĩ Hoàng Thi Thơ - Chủ tịch Công đoàn bệnh viện Phổi Đồng Nai cho biết: Thời gian vừa qua bệnh viện đã có khoảng 10 bác sĩ nghỉ việc, bản thân bác sĩ Thơ hiện nay cũng đang phải gồng gánh cả 2 khoa Khám bệnh và khoa Cấp cứu của bệnh viện phổi. Do đó, bác sĩ Thơ cho rằng, cần sớm đưa Nghị quyết thu hút hỗ trợ bác sĩ vào cuộc sống để giữ chân y bác sĩ.
Bác sĩ CKI làm 14 năm thua thu nhập công nhân thâm niên
Còn bác sĩ L, có trình độ CK I và hiện đang là Phó Trưởng khoa tại một bệnh viện công lập tuyến tỉnh của Đồng Nai cho biết, mặc dù đã công tác 14 năm tại bệnh viện công và có nhiều năm đảm nhiệm vị trí Phó trưởng khoa, nhưng tổng thu nhập vào tháng 7.2022 vừa qua chỉ khoảng 11 triệu đồng.
Nếu nhận hỗ trợ của tỉnh thêm 3 triệu đồng/tháng (theo dự thảo Nghị quyết), mặc dù rất “quý giá” cũng chỉ đạt 14 triệu đồng. "Vẫn thua thu nhập công nhân có thâm niên làm 14 năm tương đương" - bác sĩ L chia sẻ.
Tương tự, chị T - điều dưỡng Trưởng, công tác tại một bệnh viện công tuyến tỉnh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai - cho biết, chị đã có 15 năm công tác nhưng mức thu nhập chỉ là 9 triệu đồng/tháng. Nếu theo dự thảo nghị quyết mới, chị được hỗ trợ hằng tháng thêm 2 triệu đồng thì cũng chỉ 11 triệu đồng/tháng - vẫn còn rất thấp. Tuy mức hỗ trợ còn ít nhưng chị T cho rằng, việc này rất ý nghĩa vì thể hiện sự quan tâm của ngành y tế với nhân viên y tế trong thời điểm hiện nay.
Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên báo Lao Động, BS CKII Ngô Đức Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - trăn trở cho rằng, nghị quyết lần này cần tập trung tăng mức hỗ trợ hằng tháng cho những y bác sĩ, nhân viên y tế đã cống hiến lâu năm cho tỉnh Đồng Nai. Bởi theo bác sĩ Tuấn họ là những người đang bám trụ với tỉnh bất chấp khó khăn của đợt dịch COVID-19 vừa qua và đã quen với áp lực công việc tại Đồng Nai.
“Hiện tại cần tập trung quan tâm hỗ trợ để giữ chân những y bác sĩ đang gắn bó với ngành y tế Đồng Nai, từ đó để giữ được bộ "khung" nhân viên y tế công lập vững chắc, không để họ rời đi, điều đó mới thực sự quan trọng” - bác sĩ Tuấn nói.
Đồng quan điểm, bác sĩ TS.BS.CKII Phạm Văn Dũng – Giám đốc bệnh viện đa khoa Thống Nhất cũng cho rằng: Dự thảo nghị quyết về chính sách thu hút hiện nhắm vào đối tượng thu hút mới thì được chi trả lên tới 350 triệu đồng/người/1 lần. Trong khi những người có kinh nghiệm đã cống hiến nhiều năm qua cho ngành y tế Đồng Nai lại được hỗ trợ ít hơn, tạo tâm lý không công bằng, thiệt thòi, khiến họ có thể mang tâm lý “so bì”, tự ái mà lại tiếp tục nghỉ việc.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, không chỉ hỗ trợ thu nhập là có thể giữ chân được y bác sĩ nghỉ việc, mà còn nhiều giải pháp khác như giảm áp lực công việc để nhân viên y tế có thời gian tái tạo sức khoẻ, tạo điều kiện cho họ học tập nâng cao trình độ chuyên môn…