Gia nhập thị trường từ năm 2014, mảng kinh doanh đầu tiên Grab phát triển tại Việt Nam là hoạt động kết nối người dùng và tài xế taxi. Sau khoảng 8 năm hiện diện, hiện Grab đã phát triển hàng loạt mảng kinh doanh từ kết nối taxi, xe máy, giao hàng, đi chợ hộ, ví điện tử, siêu thị…
Tuy nhiên, đi cùng với việc mở rộng các mảng kinh doanh, Grab cũng liên tục ghi nhận những khoản lỗ lớn qua từng năm tại thị trường Việt Nam.
Lỗ lũy kế hơn 4.300 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính gần nhất, Grab Việt Nam ghi nhận gần 3.346 tỷ đồng doanh thu thuần năm 2021, tương đương mức thu gần 9,2 tỷ đồng mỗi ngày. Trong đó, 99,8% là doanh thu đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ kết nối. Tuy nhiên, so với năm 2020, mức doanh thu kể trên đã giảm hơn 11%.
Đi cùng đà giảm doanh thu là mức giảm của lợi nhuận gộp khi Grab thu về 1.951 tỷ đồng năm 2021, giảm gần 20%.
Như vậy, trong năm 2021, biên lãi gộp của công ty này đạt khoảng 58,3%, thấp hơn mức 64,5% của năm 2020. Dù vậy, đây vẫn là biên lãi gộp đáng mơ ước của bất kỳ doanh nghiệp nào kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Trong bối cảnh doanh thu và lãi gộp sụt giảm, chi phí bán hàng của Grab năm vừa qua lại tăng tới 25%, tiêu tốn của doanh nghiệp hơn 1.926 tỷ đồng.
Thực tế, trong hoạt động kinh doanh của Grab Việt Nam, chi phí bán hàng thường xuyên là khoản chi phí lớn nhất mà công ty phải chi ra hàng năm, vượt trên cả giá vốn hàng bán.
Nguyên nhân chính khiến chi phí này luôn ở mức cao vì Grab thường xuyên phải đưa ra các khuyến mãi cho khách hàng, kết quả là chi phí khuyến mãi hàng năm của công ty này đều đạt hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí quảng cáo cũng được Grab tính vào chi phí bán hàng hàng năm.
Với chi phí bán hàng tăng mạnh cộng với chi phí quản lý doanh nghiệp, Grab Việt Nam đã ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 300 tỷ đồng năm vừa qua.
Thực tế, năm 2021 cũng không phải năm duy nhất Grab kinh doanh thua lỗ, trong 4 năm gần nhất (2018-2021), duy nhất năm 2020 công ty này có lãi dương tại thị trường Việt Nam.
Trong đó, 2020 cũng là năm ghi nhận kết quả kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất từ doanh thu tới chi phí của Grab. Trong đó, doanh nghiệp này ghi nhận 3.762 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 11% so với năm liền trước, biên lãi gộp công ty ghi nhận được cũng đạt mức tối đa 64,5%, trong khi năm 2019 chỉ đạt 39,8%.
Bên cạnh đó, nhờ việc tiết giảm hàng trăm tỷ đồng chi phí khuyến mãi mà Grab đã thu về khoản lãi dương 243 tỷ đồng năm 2020. Trong khi đó, năm 2019 công ty này lỗ ròng 1.697 tỷ và mức lỗ năm 2018 cũng là 885 tỷ đồng.
Sống nhờ tiền đi vay
Với khoản lỗ ròng hơn 300 tỷ đồng năm gần nhất, lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán của Grab Việt Nam đã tăng lên gần 4.366 tỷ đồng đến cuối năm 2021. Trong khi đó, vốn góp của chủ sở hữu công ty chỉ là 20 tỷ đồng. Điều này dẫn tới chỉ tiêu vốn chủ sở hữu của Grab đang âm gần 4.346 tỷ đồng.
Dù vậy, tổng tài sản cân đối với nguồn vốn của công ty đến cuối năm 2021 vẫn ở mức 1.350 tỷ đồng, thấp hơn 46,5% so với cuối năm 2020.
Nhiều năm gần đây Grab Việt Nam phải duy trì hoạt động kinh doanh bằng nguồn tiền đi vay từ công ty mẹ và các công ty liên quan. Ảnh: T.L. |
Nguyên nhân khiến Grab Việt Nam với vốn điều lệ 20 tỷ đồng lại đang gánh khoản lỗ lũy kế hơn 4.346 tỷ nhưng tổng tài sản vẫn đạt trên 1.350 tỷ đồng là nhờ khoản vay và nợ thuê tài chính lên tới 4.279 tỷ đồng.
Các khoản vay này đều do những doanh nghiệp liên quan Grab Việt Nam cung cấp. Trong đó, GrabTaxi Holdings Pte Ltd là một trong những chủ nợ lớn nhất của Grab Việt Nam hiện nay với khoản cho vay 3.374 tỷ đồng đến cuối năm 2021. Khoản vay này có năm đáo hạn kéo dài từ 2021 đến 2024. Bên cạnh đó, Grab Inc. (trụ sở Singapore) cũng là chủ nợ cho doanh nghiệp tại Việt Nam vay hơn 905 tỷ đồng, đáo hạn là 2023.
Theo thuyết minh của Grab, các khoản vay này đều được cấp bằng tiền USD và quy đổi ra Đồng Việt Nam trên báo cáo tài chính, lãi suất 0%/năm và không có tài sản đảm bảo.
Trong những năm trước đó, GrabTaxi Holdings Pte Ltd và Grab Inc. cũng đóng vai trò là chủ nợ chính cung ứng vốn cho Grab duy trì hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Theo đó, đến cuối năm 2020, hai doanh nghiệp này cho Grab Việt Nam vay tổng cộng gần 5.200 tỷ, số dư vào cuối năm 2019 cũng là hơn 5.700 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính của Grab Việt Nam, với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, công ty hiện có 2 cổ đông bao gồm Grab Inc. nắm 49%, tương đương 9,8 tỷ đồng vốn góp và bà Lý Thụy Bích Huyền (sinh năm 1981) nắm 51%, tương đương 10,2 tỷ đồng. Trong đó, bà Bích Huyền cũng chính là Giám đốc điều hành của Grab Việt Nam.
Tuy nhiên, thông qua các điều khoản ràng buộc, Grab Inc. thực tế vẫn kiểm soát 100% vốn Grab Việt Nam.
(Theo Zing)