Thu hồi tài sản tham nhũng-việc khó nhưng có thể làm hiệu quả

08/07/2021 20:33

Trong thời gian qua, tại nước ta, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả ngày càng tích cực hơn, nhưng nhìn chung vẫn còn thấp. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Do đó, nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng là việc cần làm quyết liệt, dù rằng đây là việc rất khó không chỉ với Việt Nam, mà còn với hầu hết các nước trên thế giới.

Tỷ lệ thu hồi được nâng lên nhưng còn thấp

Theo số liệu được công bố trên trang thông tin điện tử tổng hợp của Ban Nội chính Trung ương, trước năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt khoảng 10% trên tổng số phải thu hồi. Trong giai đoạn 2013-2020, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, trung bình cả giai đoạn đạt hơn 32%. Trong hai năm 2019 và 2020, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN đã thành lập 5 đoàn kiểm tra tại nhiều địa phương, bộ, ngành để đánh giá đầy đủ, toàn diện kết quả thu hồi tài sản. Nhờ vậy, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng do Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo trong năm 2020 đã bằng 61% tổng số đã thu hồi được trước đây.

Trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phần báo cáo về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng đã nhận định: “Việc thu hồi tài sản tham nhũng có kết quả tích cực”. Để minh chứng cho nhận định này, báo cáo nêu thống kê: Năm 2016, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt 26%. Năm 2017, đạt 29,4%. Năm 2018, đạt 19%. Năm 2019, đạt 47,32%. Năm 2020, đạt 38,43%. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, riêng các vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp diện Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản hơn 84.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn chưa cao. Do vậy, báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cũng đặt ra nhiệm vụ trong thời gian tới là nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Ngày 2-6 vừa qua, Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường lãnh đạo công tác thu hồi tài sản bị thất thoát trong các vụ án tham nhũng.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản tham nhũng

Có thể khẳng định, tham nhũng là vấn nạn của toàn cầu và thu hồi tài sản tham nhũng là khó khăn chung của rất nhiều nước trên thế giới. Đó là lý do ra đời của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC). Đến nay, công ước này đã có 187 quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên, trong đó có Việt Nam. UNCAC đã dành hẳn một chương quy định về thu hồi tài sản (Chương V, gồm các điều từ 51 đến 59), trong đó quy định rất rõ: “Thu hồi tài sản là một nguyên tắc nền tảng của Công ước và các quốc gia thành viên phải dành cho nhau các biện pháp hợp tác và tương trợ rộng rãi nhất” (Điều 51).

Thực tế, tội phạm tham nhũng thường tẩu tán tài sản bằng cách chuyển tài sản ra nước ngoài dưới dạng đầu tư, mua bất động sản hoặc gửi tiền, tài sản quý vào tài khoản ở nước ngoài. Do vậy, yêu cầu các quốc gia thành viên UNCAC phải dành cho nhau các biện pháp hợp tác và tương trợ rộng rãi nhất là cực kỳ cần thiết để cả thế giới chung tay đẩy lùi tội phạm tham nhũng.

Các vụ án tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua có tỷ lệ thu hồi tài sản thấp không loại trừ khả năng do không ít đối tượng tham nhũng đã tẩu tán tài sản ra nước ngoài. Với việc tham gia UNCAC, Việt Nam đã có căn cứ pháp lý để đề nghị các nước hợp tác, tương trợ thực hiện các biện pháp phong tỏa, thu hồi tài sản của các đối tượng tham nhũng. Do vậy, để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, tăng cường sử dụng UNCAC để hợp tác với các nước.

Tổng kết kinh nghiệm ở những vụ đạt tỷ lệ thu hồi cao

Như đã dẫn ở trên, những vụ án tham nhũng thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo đạt tỷ lệ thu hồi tài sản rất cao. Vì vậy, cần tổng kết kinh nghiệm ở những vụ án này, trong đó phân tích làm rõ nguyên nhân, phương pháp thực hiện và bài học rút ra để áp dụng cho các vụ án tham nhũng khác.

Vụ án tham nhũng liên quan tới thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG là vụ án đạt tỷ lệ thu hồi tài sản kỷ lục từ trước tới nay (100% tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt đã được thu hồi), với tổng số tiền thu hồi đạt 8.774 tỷ đồng tiền thất thoát và hơn 138 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính. Nếu theo dõi sát vụ án này sẽ thấy, ban đầu, các đối tượng và người nhà vẫn chưa chịu hoàn trả toàn bộ tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt theo yêu cầu của tòa án. Chỉ đến khi bị tuyên án tử hình, đối tượng và người nhà mới chịu bồi hoàn toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt, thu lợi bất chính để được hưởng mức án tù chung thân theo quy định mới của Bộ luật Hình sự. Thực tiễn xử lý vụ án này cho thấy, nếu kiên quyết xử lý nghiêm sẽ buộc các đối tượng phải bồi hoàn tiền, tài sản có được do tham nhũng để được hưởng khoan hồng.

Như vậy, thu hồi tài sản tham nhũng mặc dù là việc khó với không chỉ Việt Nam, mà còn với rất nhiều nước trên thế giới, nhưng chúng ta vẫn có thể thực hiện với hiệu quả cao nếu như sử dụng đúng các biện pháp cần thiết. Tin rằng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của các cơ quan chức năng, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ta sẽ ngày càng tăng mạnh, góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả của công tác PCTN.

CHIẾN THẮNG

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thu hồi tài sản tham nhũng-việc khó nhưng có thể làm hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO