Thông tin gây 'sốc' về vụ thử tên lửa Triều Tiên vừa thực hiện

06/01/2022 09:32

Triều Tiên công khai nước này vừa thử nghiệm tên lửa siêu thanh thứ 2 ngay đầu Năm mới.

Hôm nay (6/1), hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố nước này đã cho phóng một “tên lửa siêu thanh” trong tuần này và thành công bắn trúng mục tiêu. Đây là vụ thử tên lửa siêu thanh lần thứ hai của Triều Tiên, trong bối cảnh Bình Nhưỡng tiếp tục theo đuổi phát triển năng lực quân sự mới giữa lúc các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân vẫn đang dậm chân tại chỗ.

Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 5/1 là vụ thử nghiệm vũ khí đầu tiên trong Năm mới 2022 của nước này. Ngay lập tức, chính phủ các nước Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ.

Thông tin gây 'sốc' về vụ thử tên lửa Triều Tiên vừa thực hiện
Hình ảnh vụ thử tên lửa siêu thanh thứ 2 của Triều Tiên. (Ảnh: KCNA)

Vụ phóng tên lửa siêu thanh lần đầu tiên của Triều Tiên là vào tháng 9/2021 nhằm chạy đua với các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới triển khai hệ thống vũ khí tiên tiến này. Vũ khí siêu thanh thường bay ở độ cao thấp hơn so với tên lửa đạn đạo và có thể di chuyển với tốc độ nhanh gấp hơn 5 lần so với tốc độ âm thanh tương đương 6.200 km/h.

Theo KCNA, trong vụ phóng hôm 5/1, “đầu đạn lướt siêu thanh” đã tách rời khỏi tên lửa đẩy và di chuyển chiều ngang 120 km trước khi “tấn công chính xác” mục tiêu nằm cách xa 700 km.

KCNA nhấn mạnh thêm, tên lửa đã thể hiện khả năng kiểm soát đường bay và năng lực hoạt động trong mùa đông giá rét.

“Những thành công liên tiếp trong các vụ phóng thử nghiệm tên lửa siêu thanh có ý nghĩa quan trọng chiến lược trong việc thúc đẩy quá trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang chiến lược của quốc gia”, KCNA đưa tin.

Dù không tiến hành các vụ thử nghiệm bom hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa (ICBM) kể từ năm 2017, nhưng trong những năm gần đây Triều Tiên đã cho phát triển và phóng thử hàng loạt tên lửa có tính cơ động cao hơn và đầu đạn nhằm vượt qua những hệ thống phòng thủ tên lửa như của Mỹ và Hàn Quốc, theo các nhà phân tích.

“Ấn tượng của tôi là Triều Tiên xem các vũ khí lướt siêu thanh là phương án có chất lượng hữu dụng tiềm năng để đối phó với hệ thống phòng thủ tên lửa”, ông Ankit Panda, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment ở Mỹ nhận định.

Các loại vũ khí siêu thanh được xem là thế hệ vũ khí tiếp theo nhằm hạn chế thời gian đưa ra phản ứng của đối phương, và đánh bại các hệ thống phòng thủ truyền thống.

Hồi tháng 12/2021, Mỹ đã hoàn thành xây dựng hệ thống radar tầm xa trị giá 1,5 tỉ USD cho hệ thống phòng thủ tên lửa ở Alaska. Theo Mỹ, radar này có thể theo dõi các tên lửa đạn đạo cũng như vũ khí siêu thanh từ nhiều nước bao gồm Triều Tiên.

Theo những bức ảnh được công bố về vụ phóng tên lửa siêu thanh hôm 5/1 của Triều Tiên, ông Panda cho rằng đây là phiên bản khác của tên lửa siêu thanh mà Bình Nhưỡng phóng thử hồi năm ngoái và từng xuất hiện lần đầu tiên tại một triển lãm quốc phòng vào tháng 10/2021.

“Dường như Triều Tiên triển khai ít nhất 2 chương trình phát triển tên lửa siêu thanh riêng biệt. Một chương trình phát triển tên lửa Hwasong-8 được phóng thử hồi tháng 9/2021. Tên lửa siêu thanh thứ 2 vừa được phóng có một số đặc điểm giống với Hwasong-8 nhưng là loại khác”, ông Panda cho hay.

Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi, Ngoại trưởng Antony Blinken đã chỉ trích vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Hai quan chức cũng đã thảo luận về mối hợp tác nhằm tiến tới giải trừ hoàn toàn hạt nhân, cũng như thiết lập nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Các cuộc đàm phán nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và kho tên lửa đạn đạo đã bị ngưng trễ, kể từ khi hàng loạt hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump không đạt được bất cứ thỏa thuận nào.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden khẳng định Mỹ vẫn mở cửa đối thoại với Triều Tiên. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng nhấn mạnh yêu cầu Washington cần từ bỏ các “chính sách thù địch” như tiến hành tập trận với đồng minh Hàn Quốc, và xóa bỏ lệnh trừng phạt cho Triều Tiên.

Vụ phóng tên lửa hôm 5/1 của Triều Tiên diễn ra chỉ trước một tiếng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tham dự buổi lễ động thổ xây dựng tuyến đường sắt mà ông hy vọng có thể kết nối và hàn gắn quan hệ Hàn - Triều. Vụ phóng này khiến những nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Moon rơi vào khó khăn hơn, trước thời điểm ông kết thúc 5 năm tại nhiệm vào tháng Năm tới.

Minh Thu (lược dịch)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thông tin gây 'sốc' về vụ thử tên lửa Triều Tiên vừa thực hiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO