Công trình phi pháp của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông. (Nguồn: Reuters) |
Nhắm vào các hoạt động phi pháp trên biển
Như vậy, với dự luật mới của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã tung ra một công cụ mới để đáp trả những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở những vùng biển tranh chấp trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Phản ứng trước động thái mới này, truyền thông Trung Quốc đã "phản pháo", cho rằng bước đi này có nguy cơ hủy hoại triển vọng khôi phục quan hệ Mỹ-Trung Quốc.
Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông Bob Menendez thông báo rằng trong cuộc họp ngày 19/10, ủy ban đã thông qua dự luật Đạo luật trừng phạt ở Biển Đông và Biển Hoa Đông (S.1657).
Theo Newsweek, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio và Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Ben Cardin, đồng chủ trì dự luật của lưỡng đảng, ra thông cáo báo chí “hoan nghênh việc ủy ban thông qua luật nhắm vào các hành động gây hấn của Trung Quốc" ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Thượng nghị sĩ Rubio nhấn mạnh, không có mối đe dọa nào đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở lớn hơn Trung Quốc. Rủi ro đối với lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ trong khu vực là hiện hữu. Mỹ cần các công cụ bổ sung để ứng phó với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục có các hành động quyết đoán ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Về phần mình, Thượng nghị sĩ Ben Cardin khẳng định: “Dự luật của chúng tôi gửi đi một thông điệp mạnh mẽ của lưỡng đảng rằng Mỹ sẽ bảo vệ tuyến thương mại tự do và tự do hàng hải, bảo vệ chủ quyền của các đồng minh và thúc đẩy giải pháp ngoại giao hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Thượng nghị sĩ Ben Cardin khẳng định: “Dự luật của chúng tôi gửi đi một thông điệp mạnh mẽ của lưỡng đảng rằng Mỹ sẽ bảo vệ tuyến thương mại tự do và tự do hàng hải, bảo vệ chủ quyền của các đồng minh và thúc đẩy giải pháp ngoại giao hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế”. |
Công cụ pháp lý đầu tiên
Tờ Newsweek cho rằng, dự luật mang tên Đạo luật trừng phạt ở Biển Đông và Biển Hoa Đông có thể trở thành công cụ pháp lý đầu tiên trong hệ thống luật lệ của Mỹ, trong đó cung cấp cho chính phủ Mỹ những biện pháp cụ thể để đẩy lùi động thái bành trướng của Trung Quốc.
Với dự luật nói trên, Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với “các cá nhân và thực thể Trung Quốc tham gia vào những hoạt động xây dựng đảo đá nhân tạo hoặc đe dọa sự ổn định ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”.
Dự luật đề xuất Tổng thống Mỹ áp đặt các biện pháp “phong tỏa tài sản và từ chối cấp thị thực đối với những cá nhân và thực thể Trung Quốc có những đóng góp vào các dự án phát triển ở các khu vực ở Biển Đông hoặc tham gia các hành động, chính sách đe dọa hòa bình hoặc ổn định ở các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông.
Ngoài ra, dự luật cấm các thực thể Mỹ đầu tư hoặc cung cấp bảo hiểm cho các dự án liên quan đến những thực thể bị trừng phạt ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Bộ Ngoại giao Mỹ “phải báo cáo định kỳ với Quốc hội, xác định các quốc gia công nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp. Một số loại viện trợ nước ngoài có thể không được cung cấp cho các quốc gia đó".
Tờ Newsweek điểm lại, Tháng 8, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris gọi những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là "phi pháp".
Tháng 9, Trung Quốc công bố luật hàng hải mới, trong đó yêu cầu tất cả tàu thuyền nước ngoài phải thông báo những thông tin liên quan trước khi đi qua vùng "lãnh hải chủ quyền" của Bắc Kinh, ám chỉ những vùng lãnh hải xung quanh những thực thể mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Lầu Năm Góc khi đó đã phản ứng về luật hàng mới của Trung Quốc rằng: "Mỹ vẫn khẳng định bất kỳ luật lệ hoặc quy định nào mà một quốc gia ven biển đưa ra đều không được vi phạm hoạt động hàng hải và hàng không của các nước dựa trên luật lệ quốc tế".
Tờ South China Morning Post (SCMP) nhận định, Biển Đông đã trở thành tâm điểm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Bản thân Trung Quốc cũng rất chọn lọc trong việc công bố các hoạt động hàng hải của mình ở Biển Đông. Những yêu sách chủ quyền quá đáng của nước này tại Biển Đông không được luật pháp quốc tế công nhận và bị các quốc gia láng giềng bác bỏ.