Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 5.2, miền Bắc đón không khí lạnh cường độ yếu, trời chuyển rét về đêm và sáng. Hình thái thời tiết này kéo dài hết ngày 7.2 (tức 28 tháng Chạp).
Cơ quan khí tượng cho biết, ngay sau đó, không khí lạnh mạnh hơn tăng cường vào ngày 8 đến 9.2 (tức 29-30 tháng Chạp), miền Bắc kết thúc tình trạng mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù; nồm ẩm cũng chấm dứt.
Khu vực Bắc và Trung Bộ, vào đêm và sáng có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù, ngày nắng. Khu vực Nam Bộ ít mưa, ngày nắng; miền Đông Nam Bộ có nơi nắng nóng.
Thời tiết nồm ẩm, kéo dài như hiện nay dễ mắc nhiều bệnh. Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Không khí có độ ẩm quá cao sẽ tạo điều kiện cho nhiều loại virus gây bệnh về đường hô hấp, thủy đậu, sốt phát ban, sởi, rubella phát triển. Trong đó, trẻ nhỏ và người cao tuổi là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất vì trẻ em và người già có sức đề kháng kém nên dễ ốm, đặc biệt là những trẻ có cơ địa dị ứng với thời tiết.
Ngoài ra, giai đoạn giao mùa như hiện nay cũng là cao điểm của một số bệnh lý về đường hô hấp. Khi mắc bệnh, nếu không được điều trị sớm, virus có thể đi vào phổi và gây suy hô hấp rất nhanh. Đồng thời, các loại nấm mốc, vi nấm phát triển rất nhanh khi trời nồm ẩm, lơ lửng trong không khí, bám vào quần áo, sách vở, chăn chiếu… khiến nhiều người rất dễ bị dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp gây ra các cơn hen suyễn.
"Để phòng bệnh trong mùa nồm ẩm cách tốt nhất là cần có giải pháp để giữ gìn vệ sinh môi trường sống và nâng cao sức đề kháng của cơ thể như sử dụng máy hút ẩm để tạo độ khô ráo hoặc bật điều hòa ở chế độ khô để giảm bớt độ ẩm, duy trì độ ẩm không khí ở mức 40 - 60% là tốt nhất; Hạn chế mở cửa để không khí ẩm nồm có thể vào nhà; Giữ sức khỏe trong thời tiết giao mùa, Đối với người già và trẻ nhỏ, cần chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, cân bằng và đầy đủ các dưỡng chất, vi chất, vitamin cần thiết...", ông Nguyễn Lương Tâm khuyên.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch và kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp và trong dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội năm nay, Bộ Y tế đã liên tục có các công văn chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch; thường xuyên cung cấp, cập nhật các khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh mùa đông xuân, bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương theo dõi, giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan, bùng phát lan rộng ra cộng đồng; tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, cách ly, xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào Việt Nam. Đồng thời, xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống của dịch bệnh