"Thời tận dụng"

Phạm Công Luận| 28/08/2022 02:00

Đó là một thời kỳ lạ xuất hiện sau năm 1975 ở miền Nam vì chưa bao giờ diễn ra như vậy. Cuộc sống khó khăn ập đến, hiện diện mỗi ngày trong từng gia đình. Mọi nhu cầu đều phải co lại, chỉ còn ưu tiên ăn và mặc.

Thời đó, sợ nhất là bị trộm quần áo. Phơi đồ trên dây sát hàng rào luôn phải trông chừng không chút nào ngơi vì có thể bị móc trộm. Nhà nào có được cái quần jean từ nước ngoài gửi về mà bị mất là méo cả mặt. Loại quần này bận đến bạc phếch vẫn đẹp, rách vẫn có thể tận dụng vải để may nón, túi xách, không bỏ chút gì. Áo sơ mi bận lâu bị sờn cổ hay bị ố vàng vì mồ hôi, sẽ có người nhận lộn cổ áo lại nhìn như mới, hoặc đem nhúng vào dương giấy cho có màu xanh lơ thay vì màu vàng cũ do giặt bằng xà bông đá 65 phần dầu.

Vài cô thợ may nhận vá mông quần của khách bị rách bằng những đường chỉ tạo thành hình vuông hay tròn đồng tâm rất khéo, rất nhuyễn. Nhà nào trong nhà còn trữ đồ lính Việt Nam Cộng Hòa do cha anh để lại thì rất may mắn cho mấy cậu con trai. Quần đem sửa lại cho vừa, nhuộm đen, vừa đẹp vừa bền. Chỉ có điều bất tiện, khi giặt phải để riêng, nếu không màu nhuộm sẽ thôi ra quần áo khác, và khi ủi xong phải lau mặt bàn ủi cho sạch màu đen.

Học trò đi học, sau khi dùng nát mấy cái cặp da, cặp giả da từ mấy năm trước của cha anh bỏ lại, giờ đi học bằng túi vải may từ vải bố. Anh nào giữ thói quen mang khăn mùi xoa trong túi quần thì nhờ người thân cắt miếng vải vuông từ lưng áo cũ, may viền bốn cạnh là có cái khăn lịch sự thỉnh thoảng móc ra chậm mồ hôi trên trán lấy le. Ai giữ được vài xấp vải xoa Pháp, tergan hay dacron là yên tâm để nếu cần đem ra may bận đám cưới, hoặc có thể bán ra mua gạo mà ăn.

1.jpg
Xe than  - phương tiện giao thông của thời  hậu chiến thiếu  thốn xăng dầu. Ảnh: TL

Còn ăn uống thì có gì ăn nấy từ số lương thực phân phối, là bột mì, bo bo, khoai mì, khoai lang… ăn không nổi thì đem đổi gạo dù phải chịu thiệt. Mọi gia đình tìm đủ cách xoay xở cho bữa cơm gia đình. Vai trò của phụ nữ trong nhà nổi lên, khi đàn ông vắng nhà đi học tập cải tạo, hoặc thất nghiệp.

Những người đang bước vào tuổi sáu mươi, ai cũng có câu chuyện của mình khi đã trải qua thời gian đó. Câu chuyện của anh Hùng, bạn tôi trong một buổi họp mặt khiến mọi người như trở lại thời mình mới hơn mười tuổi mà dư vị của một thời quá đậm đà không quên được.

Hùng kể căn nhà của anh ở Bà Quẹo lúc đó có tới mười ba người, ba mẹ và các con. Trong đó, chỉ có vài người anh chị của Hùng đi làm công nhân viên với lương và nhu yếu phẩm bèo bọt. Ba đang lái xe buýt thì sau 1975 bị thất nghiệp vì không còn xăng. Má bán ngoài chợ nhỏ, xoay xở đủ mọi cách để có bữa ăn cho mười ba miệng ăn.

Chị của Hùng kể lúc ra phía Lăng Cha Cả có gặp một chị bạn hồi trung học lang thang ngoài đó bán khoai lang luộc, đi cùng một cô bạn. Chị ấy trước năm 1975 đang học đại học Luật, gia đình sống trong cư xá dành cho sĩ quan cảnh sát ở Phú Nhuận. Hai chị đó đi bán mà không ai mua, buồn tình đi ngắm chợ trời, ở đó có bán đủ thứ món của Sài Gòn tư bản lấy ra từ các nhà người Mỹ bỏ đi trước ngày 30 tháng 4, hoặc chính người trong nhà đem ra bán để đổi lấy gạo hay quần áo, có từ cái đồng hồ Nhật, Thụy Sĩ đến tủ bàn ghế, máy Akai, dĩa hát, xe đạp, dụng cụ nhà bếp… Chị ấy kể nhiều bữa phải ôm rổ khoai lang bán ế thất thểu ra về, bụng hai chị em đói meo mà không dám mua món gì để ăn.

Ở nhà Hùng, má xoay đủ mọi cách để có bữa cơm tạm được cho cả nhà. Má mua đầu cá thác lác về kho với nước dừa, ngon và béo ngậy, rất hao cơm. Hôm nào chị Hai mua được đầu tôm càng về kho tàu (thân tôm để xuất khẩu) là càng tốn cơm với đám con đang lớn. May là có vườn nhà bà Năm kế bên, hôm nào thiếu thức ăn chỉ cần làm tô nước mắm kho quẹt, ra vườn hái mớ rau để chấm là đủ bữa cơm. Ngon nhất là rau càng cua, đem vô rửa sạch trộn với dấm và trứng luộc xắt khoanh mỏng. Đến Tết, nấu được nồi thịt kho thì bỏ vô nhiều đợt trứng cho thấm hết chất nước giàu đạm và béo, đến khi cạn nước mới thôi.

2.jpg
Chen lấn mua hàng mậu dịch thời bao cấp. Ảnh: TL

Kế bên nhà của Hùng có một khoảnh vườn nhỏ của bà Năm, người trong dòng họ. Bà Năm ở xa nên nhờ ba má Hùng trông giùm khoảnh vườn này. Ở đó, má trồng bông huệ, bông vạn thọ đợi lớn đem ra chợ bán, xoay đủ kiểu để kiếm tiền lo ba bữa cơm. Ba không khỏe, các anh chị lớn đều đi làm nên không thể khai thác được miếng vườn nhiều hơn. Vườn tược trở nên hoang sơ, tối gió thổi lồng lộng vào nhà, đầy tiếng mèo hoang hơn chục con kêu gào từ đó vọng vào.

Một hôm, Hùng vừa bước vào bếp bỗng thấy cả đám mèo từ bên vườn dò dẫm bước qua gian bếp. Trong tủ bếp, má để dĩa cá cho chị Hai đi làm ca về trễ  ăn bữa cơm tối muộn. Hai ba con mèo tinh quái dùng tay khều cái chốt tủ gạc-măng-giê, mở toang cửa và lôi con cá ra thật nhanh. Hùng chạy tới thì cá đã bị mèo ngậm mang đi.

Tối đó, ba và mấy ông anh ngồi tính toán bàn với nhau. Mấy con mèo phá quá, kêu gào, ăn vụng đủ thứ. Đang lúc khan hiếm chất đạm, thịt mèo cũng là loại thịt ăn được, thì phải tính. Thế là vài hôm sau ông anh lớn mang về một cái bẫy bằng lưới kim loại, nhìn giống bẫy chuột nhưng lớn hơn. Chỉ cần chút mồi là bắt được một con. Mấy anh em xúm lại nhổ lông, làm thịt. Món ragout, xào, rô ti… nấu bằng thịt mèo khá ngon, thịt mèo ngọt, ăn ngon khi còn nóng. Có người hàng xóm còn qua xin gan mèo về làm phá lấu ăn với bánh mì, cho con ăn chữa bệnh suyễn.

Đợt ăn thịt mèo hoang đó diễn ra khoảng năm 1980. Anh em nhà Hùng ăn mấy đợt, lúc đầu thấy ngon miệng nhưng ăn riết cũng ngán. Nhưng nhờ vậy cả nhà đỡ hốc hác vì thiếu dinh dưỡng. Năm 1980, Hùng thi đậu vào đại học cũng nhờ ăn đủ chất, có sức thức khuya.

Cuộc sống có lúc như vậy, nhưng khó khăn vẫn hoàn khó khăn. Một hôm, chị Hai của Hùng đi làm về đến nhà, chở phía sau poọc ba ga xe đạp của chị một cái bao rất lớn nhưng có vẻ nhẹ bổng. Mấy đứa em háo hức mở ra, ỉu xìu ngay vì trong đó chỉ là những cụm bông gòn phế phẩm xỉn màu mà chị xin ở công ty Bạch Tuyết nơi làm việc. Chị Hai mỉm cười, bảo để yên cho chị. Tối đó, chị giở tờ báo Khoa học Phổ thông mượn của ai đó, cắm cúi đọc trong ánh đèn điện leo lét của những năm thời bao cấp, may là hôm ấy điện không bị cúp.

Cuối tuần, chị Hai lần dò sang vườn bà Năm kế bên nhà. Trên sàn xi măng, chị trải một lớp bông gòn xuống và rắc một lớp meo nấm rơm mà chị đã mua sẵn. Cứ một lớp bông gòn lại đến một lớp meo, xong dùng vải đậy lại cho kín. Đợi một thời gian, mở ra thấy một lớp như màng nhện màu trắng nổi lên là biết thành công, chỉ đợi nấm chui ra. Đến ngày rằm, chị thu hoạch nấm và đem ra chợ bán. Sau, không biết có ai chỉ, vài người thương lái từ Chợ Lớn gặp chị và đề nghị cho đến nhà chọn nấm để mua.

Năm 1983, cả nước còn ăn độn mà chị Hai làm nấm một vốn tới sáu lời, giá một ký nấm mắc hơn một ký thịt. Nấm được người ta đưa đi bán nhiều lần, riết mà thành thương hiệu “Nấm Bà  Quẹo” một cách tự nhiên mà ai cũng biết là của chị. Bà con gần đó thấy làm ăn được quá, đến xin học nghề. Chị Hai không trồng trực tiếp nữa mà chuyển sang dạy nghề, bán meo, bán gòn. Hãng bông Bạch Tuyết biết chị Hai lấy bông gòn phế phẩm làm meo nấm, làm ăn khá nên họ chỉ bán, không cho lấy nữa. Nhờ chuyện làm nấm của chị mà cả nhà có một khoảng thời gian cả năm sống tươm tất hơn, bữa cơm đỡ ăn độn và có thịt có cá.

Bây giờ nhớ lại, Hùng bảo có cho vàng cũng không dám ăn thịt mèo. Nhưng câu chuyện một thời như vậy, cần phải được nhớ và kể lại cho những thế hệ sau về cách cha anh họ đã tận dụng mọi cách để tồn tại, đã vượt qua khốn khó thế nào khi gặp phải một chính sách quản lý sai lầm.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
"Thời tận dụng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO