Cuộc "chạm trán" bắt đầu vào sáng 7/4 khi một máy bay do thám EP-3E của Không quân Mỹ thực hiện chuyến bay trinh sát kéo dài 2 giờ đồng hồ tại khu vực nơi eo biển Đài Loan tiếp giáp với Biển Đông. Không quân Trung Quốc phản ứng bằng cách điều các máy bay quân sự theo dõi tình hình, trong khi Đài Loan triển khai máy bay tuần tra và đặt các tổ hợp tên lửa phòng không của hòn đảo vào trạng thái sẵn sàng tác chiến.
Theo cơ quan phòng vệ Đài Loan, phi đội không quân Trung Quốc áp sát Đài Loan hôm 7/4 gồm 8 máy bay chiến đấu J-10, 4 máy bay chiến đấu J-16, 2 máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và một máy bay chống ngầm Y-8.
Trong những tháng gần đây, các máy bay của Không quân Trung Quốc vẫn bay qua khu vực mà Đài Loan gọi là vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của hòn đảo với tần suất gần như hàng ngày. Tuy nhiên, sự xuất hiện của máy bay quân sự Mỹ trong tuần này được xem là dấu hiệu bất thường.
Cũng trong ngày 7/4, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain của Hải quân Mỹ đã đi qua eo biển ngăn Trung Quốc đại lục với Đài Loan. Đây là lần thứ 4 Mỹ đưa tàu chiến qua eo biển Đài Loan kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hồi tháng 1.
Tàu USS McCain trước đó đã đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 10/3 và ngày 4/2, trong khi các tàu khu trục khác của Mỹ gồm USS Wilbur và USS John Finn cũng lần lượt đi qua khu vực này vào ngày 24/2 và ngày 10/3.
Ngày 5/4, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của quân đội Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận ngoài khơi bờ biển phía đông Đài Loan. Ngày 6/4, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ tiến vào Biển Đông như một phần của hoạt động mà Hải quân Mỹ gọi là "chiến dịch thường kỳ".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bác bỏ cáo buộc của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price rằng Trung Quốc đang đe dọa Đài Loan. Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan đối ngoại Đài Loan Joseph Wu tuyên bố trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Đài Loan sẽ "chiến đấu đến cùng", khi ông thông báo quyết định tăng chi tiêu quân sự.
"Tất nhiên, chúng tôi hết sức lưu ý về những nỗ lực liên tiếp của Trung Quốc nhằm đe dọa khu vực, bao gồm cả vấn đề Đài Loan", ông Price nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington sẽ "duy trì năng lực nhằm đối phó với bất kỳ hình thức sử dụng vũ lực hoặc các hình thức cưỡng ép khác có thể gây nguy hiểm cho an ninh hoặc hệ thống kinh tế cũng như xã hội của người dân Đài Loan".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng việc tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan là hành động "khiêu khích và gây rối", đồng thời "gửi những tín hiệu sai lầm nghiêm trọng" cho các lực lượng đòi "Đài Loan độc lập".
"Trung Quốc sẽ không để bị coi là thiếu ý chí hoặc năng lực trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình", ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh.
Theo nhà bình luận quân sự Song Zhongping, mặc dù hoạt động quân sự gia tăng tại eo biển Đài Loan, song khả năng xảy ra một cuộc xung đột thực sự vẫn ở mức thấp.
"Những hoạt động này đã trở thành thường lệ với tất cả các bên", ông Song nhận định.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ và sẵn sàng sáp nhập bằng mọi cách, kể cả sử dụng vũ lực. Căng thẳng tại eo biển Đài Loan gia tăng kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng phát và Washington cải thiện quan hệ với Đài Loan, bao gồm việc ký kết các thỏa thuận cung cấp máy bay chiến đấu cho hòn đảo.
Hải quân Mỹ cho biết các hoạt động của lực lượng này nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời tuyên bố các máy bay và tàu quân sự Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Thành Đạt
Theo SCMP