Gần 200.000 người nhiễm nCoV toàn cầu; Trung Quốc thử nghiệm văcxin

18/03/2020 07:28

Việt BáoTrung Quốc thử nghiệm lâm sàng văcxin phòng virus corona; Người nhóm máu A dễ mắc COVID-19; Trụ sở WHO ghi nhận hai ca nhiễm nCoV; Gần 200.000 người nhiễm nCoV toàn cầu, 7.965 người tử vong.

Trung Quốc thử nghiệm lâm sàng văcxin phòng virus corona
 
Báo TTO đưa tin theo Nhân dân Nhật Báo (People’s Daily), Trung Quốc cho phép thử nghiệm lâm sàng loại văcxin đầu tiên cho virus corona chủng mới - virus gây dịch bệnh COVID-19 vốn đã cướp đi mạng sống của 7.000 người trên toàn cầu.

Các nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học quân y Trung Quốc thuộc Quân Giải phóng nhân dân (PLA) sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu của văcxin cho virus corona trong tuần này.

Theo đó, giai đoạn 1 của thử nghiệm lâm sàng là kiểm tra xem văcxin mới có an toàn trên người hay không. Sẽ có 108 người tham gia vào thử nghiệm này, kéo dài từ 16-3 tới 31-12.

Thử nghiệm sẽ được thực hiện bởi Học viện Khoa học quân y và Công ty công nghệ sinh học CanSino Biologics.
 
Các chuyên gia tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết khó có khả năng có văcxin được thử nghiệm đầy đủ và phê duyệt để tung ra thị trường từ giờ cho đến giữa năm sau.

Người nhóm máu A dễ mắc COVID-19

Cũng theo TTO, theo một nghiên cứu sơ bộ về bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới ở Trung Quốc, người có nhóm máu A dễ bị nhiễm hơn và người nhóm máu O ít bị nhiễm hơn các nhóm máu khác.

Các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã lấy mẫu máu của hơn 2.000 bệnh nhân nhiễm virus corona ở thành phố Vũ Hán và Thâm Quyến rồi so sánh với những người khỏe mạnh. Họ phát hiện ra rằng những người có nhóm máu A có tỉ lệ nhiễm cao hơn và gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn nhóm máu khác.

Bác sĩ Wang Xinghuan, trưởng nhóm nghiên cứu, đến từ Bệnh viện Trung Nam thuộc Đại học Vũ Hán, cho biết người thuộc nhóm máu A cần được tăng cường bảo vệ để giảm nguy cơ nhiễm bệnh.

Ngược lại với người có nhóm máu A, người nhóm máu O có nguy cơ nhiễm bệnh thấp hơn so với các nhóm máu khác.

Dẫn chứng về mặt con số, trong số 206 bệnh nhân tử vong vì COVID-19 ở Vũ Hán, 85 bệnh nhân có nhóm máu A, cao hơn 63% so với số 52 bệnh nhân có nhóm máu O.

Các nhà nghiên cứu từ khắp Trung Quốc như Bắc Kinh, Vũ Hán, Thượng Hải, Thâm Quyến nói rõ trong bài báo công bố trên Medrxiv.org vào ngày 11-3 rằng đây chỉ là nghiên cứu sơ bộ và cần nghiên cứu sâu hơn. 

Nhóm tác giả cảnh báo rủi ro nếu sử dụng nghiên cứu này cho các biện pháp điều trị hiện tại. Tuy nhiên, đây cũng là yếu tố mà ngành y tế nên xem xét khi điều trị bệnh nhân.

Gao Yingdai, nhà nghiên cứu ở Thiên Tân - người không tham gia nghiên cứu nói trên, cho hay con số 2.000 mẫu xét nghiệm tuy không nhỏ nhưng không quá ít nếu so với tổng số 180.000 bệnh nhân COVID-19 trên toàn cầu.

Một hạn chế khác của nghiên cứu là chưa đưa ra lời giải thích rõ ràng cho nhận định nêu trên, chẳng hạn như sự tương tác giữa virus và các loại hồng cầu khác nhau.

Kết luận, bà Gao cho hay những người nhóm máu A không phải quá lo lắng vì chưa chắc 100% sẽ nhiễm bệnh. Ngược lại, người nhóm O cũng đừng nghĩ mình an toàn.

Trụ sở WHO ghi nhận hai ca nhiễm nCoV

Trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneva, Thụy Sĩ báo cáo hai ca nhiễm nCoV đều biểu hiện triệu chứng và họ đang tự cách ly.

"Hai nhân viên được xác nhận nhiễm nCoV vào tuần trước, hôm 12 và 13/3. Họ đều có triệu chứng và đang tự cách ly tại nhà", phát ngôn viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Christian Lindmeier hôm nay cho biết. 

Theo Lindmeier, các đồng nghiệp tại cơ quan của hai bệnh nhân đã được kiểm tra và WHO đang chờ thêm thông tin từ họ. "Mọi thứ tới nay dường như đều ổn với họ", ông nói thêm.

Tất cả nhân viên không thiết yếu của WHO đang làm việc từ xa. Tổ chức này hiện giờ cũng tiến hành các cuộc họp báo trực tuyến để tóm tắt diễn biến của Covid-19.

Hôm 15/3, số ca nhiễm nCoV của Thụy Sĩ tăng vọt, với gần 1.000 bệnh nhân mới trong vòng 24 giờ. Tổng số ca bệnh tại nước này đã vượt 2.300, trong đó hơn 20 người chết. Chính phủ Thụy Sĩ hôm qua áp dụng những biện pháp khẩn cấp như cấm tụ họp, thắt chặt biên giới và triển khai quân đội nhằm ngăn nCoV lây lan.

Gần 200.000 người nhiễm nCoV toàn cầu

VNE đưa tin, số người nhiễm và chết vì nCoV trên toàn cầu tăng lên lần lượt 198.178 và 7.965, hàng nghìn ca nhiễm mới được báo cáo tại nhiều nước châu Âu.

Italy, vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai trên thế giới, thêm 3.526 ca nhiễm mới và 345 trường hợp tử vong, nâng số ca nhiễm và người chết trên toàn quốc lên 31.506 và 2.503. Tỷ lệ tử vong 7,94%, cao gần gấp đôi tỷ lệ trung bình toàn cầu là 4,02%

Đức xuất hiện thêm hơn 2.000 trường hợp dương tính, đưa số ca nhiễm lên 9.367, song số ca tử vong vẫn ở mức thấp, 26 ca. Lothar Wieler, Chủ tịch Viện Robert Koch, cơ quan liên bang phụ trách kiểm soát dịch bệnh tại Đức cho biết cảnh báo rủi ro Covid-19 ở nước này đã chuyển từ mức "vừa phải" lên "cao" do số ca nhiễm tăng liên tục trong những ngày qua, đồng thời ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy hệ thống y tế sắp quá tải.

Tây Ban Nha và Pháp báo cáo thêm hơn 1.000 trường hợp dương tính, đưa số ca nhiễm lên lần lượt là 11.826 và 7.730. Sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp trong 15 ngày từ 14/3, chính phủ Tây Ban Nha quyết định phong tỏa toàn quốc, cấm lưu thông trên đường. Madrid cũng siết chặt kiểm soát biên giới, chỉ cho phép công dân và thường trú nhân, công nhân làm việc xuyên biên giới, các nhà ngoại giao và những người có lý do bất khả kháng được nhập cảnh.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố đất nước "đang có chiến tranh" với nCoV. Ông ra lệnh cho người dân ở yên trong nhà, chỉ ra ngoài nếu thực sự cần thiết, người vi phạm sẽ bị phạt nặng.

Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc đại lục, khi ghi nhận 1.178 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm lên 16.169. Tehran ban hành nhiều biện pháp khẩn cấp để chống Covid-19 song chưa cho thấy hiệu quả, thể hiện ở số ca nhiễm và tử vong tăng lên mỗi ngày.

Tại Mỹ, số ca nhiễm tăng lên 6.437 sau khi xuất hiện thêm 1.774 ca nhiễm mới. Mỹ cũng ghi nhận thêm 23 trường hợp tử vong, đưa số ca tử vong lên 109. Dịch bệnh đã được báo cáo tại toàn bộ 50 bang của Mỹ.

Hàn Quốc và Trung Quốc hiện chưa công bố số ca nhiễm và tử vong mới song số liệu những ngày gần đây cho thấy tình hình dịch bệnh tại hai nước này đang được kiểm soát.

Tại Đông Nam Á, Malaysia phong tỏa toàn quốc, yêu cầu công dân không ra nước ngoài và cấm người nước ngoài nhập cảnh khi 673 người nhiễm nCoV, trở thành vùng dịch lớn nhất khu vực. Malaysia ngày 17/3 ghi nhận ca tử vong đầu tiên. Bệnh nhân là một mục sư 60 tuổi, gần 200 người tiếp xúc gần với ông đang được cách ly tại nhà.

Thế giới ghi nhận thêm 803 ca tử vong, phần lớn tại các nước châu Âu, đưa số người chết vì nCoV lên 7.965, đa phần là người cao tuổi và có bệnh lý nền. Hơn 41% số nhiễm, tức 81.729 người, đã hồi phục.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Gần 200.000 người nhiễm nCoV toàn cầu; Trung Quốc thử nghiệm văcxin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO