Vì sao Chủ tịch UBND TP. HCM tự nhận không hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?
Tại buổi tổng kết công tác tổ chức, chăm lo Tết Quý Mão và tình hình kinh tế - xã hội tháng 1, nhiệm vụ trọng tâm tháng 2/2023, liên quan đến đầu tư công, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, trong năm 2022, TP.HCM thực hiện nhiều giải pháp với mong mỏi đạt 76% và phấn đấu trên 80% nhưng đến hôm qua (31/1) thì tỷ lệ giải ngân chưa tới 70%.
Từ đó, ông Mãi tự nhận không hoàn thành xuất sắc nhiệm vị trong năm 2022 và tự nhận hạ một bậc thi đua, đồng thời nhấn mạnh phải thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng và UBND TP.HCM để nêu gương của người đứng đầu. Cùng với ông Mãi còn có bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM cũng nhận hình thức thi đua tương tự.
Theo Chủ tịch UBND TP. HCM, trong năm 2023, TP.HCM sẽ tiếp tục áp dụng đầu tư công là một chỉ tiêu xếp loại thi đua bởi đầu tư công giữ vai trò dẫn dắt đầu tư xã hội. Các đơn vị giải ngân thấp ở ban quản lý dự án lớn như Ban Quản Lý Dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông, Ban Quản lý Đường sắt đô thị, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và một số địa bàn, đặc biệt có một số chủ đầu tư giải ngân 0 đồng.
Truy tặng phi công Trần Ngọc Duy Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba
Ngày 1/2, thông tin từ Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng) cho biết, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã ký quyết định truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Thiếu tá, phi công Trần Ngọc Duy.
Xem thêm: Người thân, đồng đội nghẹn ngào tiễn biệt Thiếu tá phi công Trần Ngọc Duy
Chiều cùng ngày, linh cữu Thiếu tá, phi công Trần Ngọc Duy đã được đưa về tới Nhà tang lễ An Lạc Viên (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) để làm thủ tục hỏa táng. Sau đó, tro cốt của Thiếu tá phi công Trần Ngọc Duy sẽ được đưa về nhà riêng tại phường Quang Trung (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). 13h chiều 2/2 sẽ diễn ra Lễ an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Lim (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên).
Xem thêm:Truy thăng quân hàm thiếu tá cho phi công hy sinh khi làm nhiệm vụ
Cũng trong ngày 1/2, Quân chủng Phòng không - Không quân đã quyết định truy thăng quân hàm sĩ quan trước thời hạn đối với phi công Trần Ngọc Duy từ Đại úy lên Thiết tá.
Luật sư “kháng cao thay” bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn có phù hợp?
TAND TP Hà Nội đã nhận đơn kháng cáo của 16/36 bị cáo trong “vụ án AIC”. Đáng chú ý, trong số 16 bị cáo này, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty AIC (bị tuyên vắng mặt 30 năm tù), mặc dù đang bỏ trốn nhưng vẫn được luật sư "kháng cáo thay".
Xem thêm: Toàn cảnh phiên xử vụ AIC: Nỗi hổ thẹn muộn màng
Xem thêm: Cuộc điện thoại đem về hàng trăm tỷ đồng của cựu Bí thư Đồng Nai
Trong đó, luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng chưa đủ căn cứ chứng minh bị cáo Nhàn là chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo việc thông thầu, việc định giá thiệt hại là quá cao và chưa được tranh luận làm rõ tại phiên tòa sơ thẩm. Từ đó, luật sư đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Vậy, luật sư có được quyền “kháng cáo thay”?
Xem thêm: Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã bán sạch cổ phần tại công ty sở hữu lô đất 4.000m2 tại Hà Nội?
Theo các luật gia, điều 331 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, những chủ thể có quyền kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm, gồm: bị cáo, bị hại, người đại diện của bị cáo, bị hại; người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.
Điều 73 bộ luật này cũng quy định, người bào chữa có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; kháng cáo bản án, quyết định của tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
Xem thêm: Những buổi gặp gỡ và nhận quà từ AIC đẩy loạt quan chức Đồng Nai dính lao lý
Như vậy, luật sư với vai trò là người bào chữa chỉ có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.
Đối chiếu vụ "đại án" AIC, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng một số bị cáo được luật sư kháng cáo thay không thuộc các trường hợp nêu trên. Cho nên, việc kháng cáo thay là không phù hợp theo quy định pháp luật.
Dù vậy, việc chấp nhận hay bác đơn kháng cáo sẽ do HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội quyết định, khi mở phiên tòa phúc thẩm tới đây.
Đề xuất tăng tối đa thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu
Bộ Tư pháp tổng hợp lấy ý kiến Dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023. Trong đó có đề xuất sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường.
Theo Bộ Tư pháp, qua rà soát luật này, Bộ Tài chính đã đề nghị điều chỉnh khung mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn nói chung.
Cụ thể, đề nghị mức thuế tối thiểu giữ bằng mức thuế tối thiểu hiện hành, điều chỉnh tăng mức thuế tối đa để tạo dư địa điều chỉnh chính sách khi cần thiết theo yêu cầu quản lý nhà nước.
Riêng đối với dầu hỏa, đề nghị giữ khung thuế bảo vệ môi trường như hiện hành vì dầu hỏa là mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đa số người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, đề nghị đổi đơn vị tính đối với dầu mazut từ “lít” thành “kg” cho phù hợp với thực tế.
Hiện nay khung thuế bảo vệ môi trường đối nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn được quy định là xăng, trừ etanol là 1.000-4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 1.000-3.000 đồng/lít; dầu diesel là 500-2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 300-2.000 đồng/lít; dầu mazut là 300-2.000 đồng/lít; dầu nhờn là 300-2.000 đồng/lít và mỡ nhờn là 300-2.000 đồng/kg. Mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu (trừ dầu hỏa) đã bằng mức tối đa trong khung thuế.
Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án luật sửa đổi tại kỳ họp tháng 10/2025 và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2026.