Bà Trương Mỹ Lan bị truy tố vì chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng, gia đình nộp khắc phục hơn 1.000 tỷ
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - với 3 tội danh “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" sau gần một tháng ban hành kết luận điều tra.
Trong số 85 bị can còn lại bị VKS truy tố, có 45 lãnh đạo, cán bộ ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước. Những người bị truy tố về một trong các tội: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.
Xem thêm: Truy tố Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan cùng 85 đồng phạm
Theo cáo trạng được nêu, với chủ trương lợi dụng hoạt động của ngân hàng để huy động vốn phục vụ kinh doanh cá nhân, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), hoạt động từ năm 2011. SCB được bà Lan sử dụng như một công ty tài chính để cấp vốn cho hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát.
Dù bà Lan không trực tiếp nắm quyền điều hành nhưng lại sở hữu 91,5% cổ phần của SCB thông qua các cá nhân khác.
Từ tháng 2/2018 - 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng và chiếm đoạt 304.000 tỷ. Ngoài ra, bà Lan còn bị cáo buộc gây thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng. Đồng thời, hành vi của bà còn gây thiệt hại cho SCB hơn 64.600 tỷ đồng.
Các bị can khác tự nguyện hoặc tác động gia đình nộp tiền, tài sản để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bản thân gây ra.
Trong đó, bị can Trương Huệ Vân (cháu gái bà Trương Mỹ Lan, Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor) nộp khắc phục hơn 1.063 tỷ đồng và 3.000 USD; ông Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư quảng trường thời đại Times Square) khắc phục 1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella - được xác định đã nộp khắc phục hơn 657 tỷ đồng và hơn 3.312 USD.
Bà Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng Cục Thanh tra - giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước - nộp khắc phục 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm ngân hàng có tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Xem thêm: Chồng và cháu gái bà Trương Mỹ Lan nộp khắc phục hơn 1.000 tỷ đồng
Bỏ thi thăng hạng viên chức
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 85/2023 sửa đổi một số điều của Nghị định 115/2020 về tuyển dụng và quản lý viên chức. Cụ thể, Nghị định về sửa đổi tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Nghị định mới nêu rõ, viên chức được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề nếu đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
- Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và pháp luật.
- Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hiện đang giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp.
- Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng. Trường hợp tại thời điểm xét thăng hạng mà Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành chưa ban hành quy định nội dung, chương trình, hình thức, thời gian bồi dưỡng thì không phải đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.
- Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng.
Xem thêm: Bỏ thi thăng hạng viên chức
Thanh niên đổ 30 lít xăng đốt phà Sa Đéc
Lãnh đạo TP Sa Đéc thuộc tỉnh Đồng Tháp xác nhận báo chí vụ cháy phà Sa Đéc. Đây là phà nối 2 bờ sông Tiền đoạn qua tỉnh Đồng Tháp, rộng khoảng 900m.
Vào ngày 15/12, một thanh niên đi xe máy lên phà, chở theo can xăng 30 lít và có biểu hiện không bình thường. Thanh niên này liên tục rú ga rồi đổ can xăng ra sàn phà rồi châm lửa.
Kẻ phóng hoả và một nhân viên phà bị phỏng sau khi ngọn lửa bùng lên, đồng thời thiêu rụi 11 xe máy.
Bước đầu điều tra, công an xác định thanh niên đốt phà tên Võ Đoàn Nhựt Quy (26 tuổi, ngụ phường An Hòa, TP Sa Đéc). Người này có dấu hiệu loạn thần, nghi vấn sử dụng ma túy. Vào buổi sáng cùng ngày, Quy đã phóng hỏa ở nhà y nhưng bị phát hiện nên chạy đến phà Sa Đéc gây ra vụ cháy.
Đại diện TP Sa Đéc phát biểu: "Lúc đó phà đang ở bến chứ chưa ra sông, nên hành khách và nhiều phương tiện được di tản nhanh chóng. Vụ cháy không gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động vận tải của bến phà”.
Xem thêm: Thanh niên đổ 30 lít xăng đốt phà Sa Đéc, 11 xe máy bị thiêu rụi
15 năm TP HCM vẫn loay hoay với metro
"TP HCM loay hoay 15-16 năm chưa xong 19,7 km Metro số 1, do đó nếu vẫn theo cách cũ phải mất 100 năm mới hoàn thành 200 km như quy hoạch”, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp thứ ba của Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98, sáng 15/12.
Theo ông Phan Văn Mãi, việc quy hoạch đường sắt đô thị TP HCM tổng chiều dài 220 km đã có 20 năm. Nhưng suốt 15-16 năm qua, thành phố loay hoay làm tuyến metro số 1 dài 19,7 km và đến nay dự án mớichuẩn bị hoàn thành.
Theo đó, nếu triển khai theo cách làm cũ thì với 200 km còn lại cần khoảng 50-70 năm nữa, thậm chí 100 năm mới kịp. Ông kết luận: "Như vậy là quá chậm, không thể chấp nhận được”.
Cũng theo ông Mãi, TP HCM sẽ phối hợp Hà Nội để hoàn thiện cơ chế về phát triển đường sắt đô thị theo hướng huy động nguồn vốn, tín dụng đủ lớn, có thể vượt trần nợ địa phương để triển khai đầu tư.
Trong tương lai các đô thị trong nước cũng sẽ phát triển đường sắt đô thị. Do đó, tại TP HCM, việc phát triển hệ thống metro cần gắn với phát triển ngành đường sắt đô thị để tránh việc thành phố chỉ làm dự án đầu tư còn lại công nghệ, thiết bị, duy tu phải đi thuê mua.