Phó Thủ tướng thăm các nạn nhân vụ tấn công bằng súng ở Đắk Lắk
Sáng 12/6, Đoàn công tác của Trung ương do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Trưởng đoàn đã thăm, viếng và động viên các nạn nhân trong vụ dùng súng tấn công tại Đắk Lắk, đồng thời yêu cầu chính quyền tỉnh Đắk Lắk quan tâm, hỗ trợ các gia đình về mặt đời sống, tinh thần. Phó Thủ tướng cũng đến thăm hỏi động viên hai chiến sĩ công an bị thương đang được điều trị tại BV Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Xem thêm: Phó Thủ tướng thăm các nạn nhân vụ tấn công bằng súng ở Đắk Lắk
Xem thêm: Bắt 26 đối tượng, thu giữ súng trường CKC trong vụ tấn công UBND xã ở Đắk Lắk
Liên quan vụ việc này, sáng cùng ngày, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết lực lượng Công an đã bắt giữ thêm được 4 đối tượng tham gia vụ dùng súng tấn công tại Đắk Lắk, nâng tổng số đối tượng bị bắt giữ lên 26. Lực lượng chức năng đã tiến hành thu giữ một số vũ khí quân dụng, trong đó có súng trường CKC. "Việc truy quét các đối tượng còn đang lẩn trốn sẽ tiếp tục được tiến hành", tướng Xô cho biết.
Xem thêm: Bộ Quốc phòng kiểm tra hiện trường vụ tấn công bằng súng tại Đắk Lắk
Cũng trong sáng 12/6, Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Quốc phòng đến kiểm tra hiện trường vụ nổ súng tại trụ sở UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk).
Xem thêm: Hình ảnh bắt giữ các đối tượng trong vụ tấn công trụ sở công an xã ở Đắk Lắk
Theo báo cáo của Công an tỉnh Đắk Lắk, sáng sớm 11/6, tại địa bàn huyện Cư Kuin đã xảy ra vụ việc một nhóm người dùng súng tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur, làm chết, bị thương một số công an xã, cán bộ xã và người dân...
Chiều 11/6, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, đã ký Quyết định truy thăng cấp bậc hàm đối với 4 cán bộ, chiến sĩ Công an xã hy sinh trong vụ việc; hỗ trợ gia đình các chiến sĩ hy sinh, và bị thương trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Vì sao 3 luật sư vụ Tịnh thất Bồng Lai bị Công an Long An truy tìm?
Thông tin từ Công an tỉnh Long An, đơn vị này đã ra quyết định truy tìm 3 luật sư bào chữa cho các bị cáo trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai gồm: Nguyễn Văn Miếng (SN 1966), ngụ phường Trường Thọ, TP Thủ Đức, TP.HCM; Đào Kim Lân (SN 1967), ngụ phường 9, quận 6, TP.HCM và Đặng Đình Mạnh (SN 1968), ngụ phường 15, quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Xem thêm: Luật sư bào chữa vụ Tịnh thất Bồng Lai bị triệu tập lần 2 nhưng không có mặt
Xem thêm: NSND Lệ Thủy lên tiếng khi bị giả mạo hát ca ngợi Tịnh thất Bồng Lai
Theo Công an Long An, căn cứ thông báo của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an về việc phát hiện và báo tin cho Công an tỉnh Long An về 3 người trên có những hành vi phát tán trên không gian mạng qua đoạn video clip những hình ảnh, lời nói, bài viết có dấu hiệu tội phạm lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Xem thêm: Kết quả xét nghiệm ADN ảnh hưởng thế nào đến trẻ em tại Tịnh Thất Bồng Lai?
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An thụ lý kiểm tra, xác minh tin báo trên và đã gửi giấy triệu tập nhiều lần cho 3 người trên nhưng không đến để làm việc và không có lý do vắng mặt.
Qua công tác xác minh, Công an phường nơi các đối tượng cư trú và thân nhân xác nhận hiện các đối tượng không có mặt tại địa phương, đi đâu, làm gì không rõ và không liên lạc được. Vì thế Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An đã ra quyết định truy tìm các đối tượng nêu trên để phục vụ công tác giải quyết tin báo về tội phạm.
Phiên xử phúc thẩm vụ cô giáo bị tuyên 5 năm tù: kêu oan, kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm
Ngày 12/6, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án cô giáo Lê Thị Dung (52 tuổi) nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Tại phiên tòa, bị cáo Lê Thị Dung cho rằng bản án cấp sơ thẩm có dấu hiệu oan sai và kháng cáo toàn bộ bản án.
Bị cáo Lê Thị Dung cho biết: “Thời điểm bị cáo gửi kháng cáo bản án sơ thẩm, bị cáo chưa nhận được bản án nên tại phiên tòa phúc thẩm này, bị cáo xin kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm".
Bị cáo Dung cho rằng, quy chế chi tiêu nội bộ được đơn vị xây dựng công khai, dân chủ, được gửi cho cấp trên giám sát và có hiệu lực thi hành, không vi phạm pháp luật.
“Tất cả việc chi tiêu của bị cáo cho bản thân và giáo viên trong đơn vị đều hưởng như bị cáo. Khi chưa chứng minh được bị cáo vi phạm quy chế chi tiêu nội bộ, các văn bản tài chính kế toán liên quan thì không thể kết tội cho bị cáo", bị cáo Dung nói.
Ngoài ra, bị cáo Dung cũng cho rằng trong quá trình tố tụng có nhiều dấu hiệu oan sai.
‘Thai phụ 7 tháng bị bạo hành dã man’ đã được công nhận ly hôn không cần ra tòa
Liên quan đến vụ việc ‘thai phụ 7 tháng bị chồng hành hạ dã man’ gây phẫn nộ dư luận, lãnh đạo TAND huyện Kim Thành (Hải Dương) cho biết, đơn vị đã ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự giữa chị Bùi Thị Tuyết G. và chồng là Trần Văn Luân.
Xem thêm: Lời kể của người phụ nữ mang thai 7 tháng bị chồng bạo hành dã man
Xem thêm: Thai phụ 7 tháng bị chồng bạo hành như thời trung cổ: Thu giữ vật chứng
TAND huyện Kim Thanh cho biết, sở dĩ việc ra quyết định trên là vì trước đó tòa đã nhận được đơn xin ly hôn của chị G.. Sau đó, đơn vị đã vào nhà tạm giữ Công an huyện Kim Thành để làm việc với Luân và anh này đã đồng ý ly hôn, giao quyền nuôi con chung thứ nhất khoảng 17 tháng tuổi cho chị G.
Xem thêm: Cử lực lượng đảm bảo an toàn cho thai phụ 7 tháng bị chồng bạo hành
Trước đó, ngày 22/5, chị G. đã đến Công an huyện Kim Thành để làm việc. Tại đây, chị đã được công an và hội phụ nữ huyện này hỗ trợ hoàn thành các thủ tục cần thiết để nộp đơn ly hôn chồng ra TAND huyện Kim Thành.
Ngoài nguyện vọng được ly hôn với chồng, chị G. còn mong muốn được quyền nuôi con 17 tháng tuổi.
Theo tài liệu điều tra, từ tháng 4/2021, Trần Văn Luân và chị G. đăng ký kết hôn và sống tại thôn Quỳnh Khê 2 (xã Kim Xuyên, Kim Thành, Hải Dương). Chị G. quê ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.
Khoảng 2-3 tháng trước, do mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình, Luân nhiều lần đánh đập, hành hạ chị G.. Anh ta dùng tay, chân, lược chải tóc, thắt lưng da một đầu có khóa bằng kim loại, dây nồi cơm điện, móc treo quần áo bằng kim loại hơ qua lửa để đánh vợ. Câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội đã gây phẫn nộ, khiến các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra.
Kết quả giám định thương tích trên cơ thể chị G. cho thấy nạn nhân có 62 vết bỏng da, 143 vết xước da, bầm tím trên khắp cơ thể (vết dài nhất lên tới 12cm). Tổng tỷ lệ tổn thương trên cơ thể chị G. là 29%.
Giá trần vé máy bay nội địa sẽ tăng từ 50.000 đến 250.000 đồng?
Theo dự thảo thông tư về giá trần vé máy bay nội địa đang được Cục Hàng không lấy ý kiến, giá trần vé máy bay hạng phổ thông nội địa dự kiến tăng từ 50.000 đến 250.000 đồng tùy đường bay.
Nhóm đường bay có khoảng cách dưới 500km: giữ nguyên mức giá trần 1,6 triệu đồng/vé một chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1,7 triệu đồng/vé một chiều với nhóm đường bay khác dưới 500km như hiện nay.
Nhóm đường bay từ 500km đến dưới 850km, mức giá trần tăng 50.000 đồng/vé một chiều
Nhóm đường bay từ 850km đến dưới 1.000km, mức giá trần tăng 100.000 đồng/vé một chiều
Nhóm đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km, mức giá trần tăng 200.000 đồng/vé một chiều
Nhóm đường bay từ 1.280km trở lên, mức giá trần tăng 250.000 đồng/vé một chiều
Theo Cục Hàng không, mức giá trần vé máy bay nội địa hiện tại được quy định tại thông tư 17/2019/TT-BGTVT đã được ban hành từ năm 2015 khi giá nhiên liệu bay Jet A1 ở mức khoảng 60 USD/thùng. Năm 2022, giá Jet A1 đã vượt ngưỡng 150 USD/thùng, các hãng hàng không đã đề nghị tăng giá trần vé máy bay nội địa.
Cục Hàng không đã đề xuất, báo cáo Bộ GTVT việc điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa về mức quy định tại thời điểm năm 2014, khi giá nhiên liệu vào khoảng 80 USD/thùng.