Thời sự 24 giờ: Đề nghị kỷ luật Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; mới tìm thấy 1/25 cuốn sách cổ bị thất lạc

Tổng hợp| 22/12/2022 06:00

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề ề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn bị đề nghị kỷ luật

Chiều 21/12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT T.Ư) đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2021 - 2026.

UBKT T.Ư nhận thấy, Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Ngoại giao và nhiều tổ chức, cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tham mưu, tổ chức thực hiện các chuyến bay giải cứu, đưa công dân về nước trong đại dịch Covid-19. Một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, tiêu cực, nhận hối lộ, bị khởi tố, bắt tạm giam.

Xem thêm: Rà soát bất động sản liên quan cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng

icdn.dantri.com.vn-2022-12-21-_bo-truong-ngoai-giao-1671620987328(1).jpeg
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, UBKT T.Ư đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao các nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026; ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Vũ Hồng Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản.

Xem thêm: Vụ bay giải cứu: Khởi tố 2 nguyên cán bộ Đại sứ quán tại Nga và Angola

Khai trừ ra khỏi Đảng các ông: Nguyễn Hồng Hà, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản; Lý Tiến Hùng, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga; Nguyễn Lê Ngọc Anh, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia; Vũ Ngọc Minh, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola.

- Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với ông Trần Việt Thái, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia.

- Cảnh cáo ông Nguyễn Hoàng Linh, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia.

- Khiển trách các ông: Phạm Sanh Châu, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ; Vũ Bình, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản; Phạm Như Ý, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.

Cựu Bí thư và Chủ tịch tỉnh Đồng Nai hầu tòa vụ AIC

Sáng 21/12, TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, đưa 36 bị cáo ra xét xử về các tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ".

Xem thêm: An ninh thắt chặt tại phiên tòa xử vụ án AIC

Trong số 36 bị cáo, có 8 người đang bỏ trốn và bị truy nã, một trong số đó là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC).

icdn.dantri.com.vn-2022-12-21-_bi-cao-tran-dinh-thanh-21122022-1671618474612(1).jpeg
Bị cáo Trần Đình Thành tại phiên tòa.

Xem thêm: Những buổi gặp gỡ và nhận quà từ AIC đẩy loạt quan chức Đồng Nai dính lao lý

Trong phần xét hỏi, Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) khai quen Tổng Giám đốc Công ty AIC từ năm 2003. Qua tiếp xúc, bị cáo Thành đánh giá bà Nhàn là người hiểu biết, kiến thức rộng, nhanh nhạy, có quan hệ rộng rãi ở nhiều địa phương, ở Trung ương và cả nước ngoài.

Đối với hành vi "Nhận hối lộ", bị cáo Thành nhận lỗi, khai có 6 lần nhận tổng 14,5 tỷ đồng từ Công ty AIC. Trong đó có 2 lần bị cáo này nhận ở trụ sở cơ quan, 4 lần tại Công ty AIC. Bị cáo Thành cho biết gia đình bị cáo đã tự nguyện nộp khắc phục toàn bộ số tiền trên.

Xem thêm: Vụ án AIC: Cựu Bí thư Đồng Nai đánh giá bà Nhàn thông minh, quan hệ rộng

Bị cáo Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) khai có 14 lần nhận tiền từ Công ty AIC, tổng là 14,5 tỷ đồng, thường nhận tiền vào những dịp lễ, Tết. Những lần đưa tiền, các bị cáo không nói thẳng việc đề nghị ông Thái giúp đỡ Công ty AIC nhưng bản thân bị cáo Thái tự "ngầm hiểu" mục đích trên.

Xem thêm: Vụ án AIC: Một bị cáo gửi đơn từ Mỹ xin xử vắng mặt

"Bị cáo thấy những cáo buộc của VKS là đúng người, đúng tội. Bị cáo thành khẩn nhận lỗi, đã kịp thời khắc phục hậu quả trước khi bị khởi tố", cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nói trước HĐXX.

Hoàn thành chạy thử đoàn tàu Metro số 1

Sáng 21/12, TPHCM chạy thử nghiệm đoàn tàu metro số 1. lãnh đạo thành phố và đại diện các đơn vị liên quan thực hiện nghi thức bấm còi để triển khai chạy thử nghiệm đoàn tàu, tại khu vực làm lễ ở ga Bến xe Suối Tiên (TP Thủ Đức).

Lộ trình tàu chạy thử dài gần 9km, bắt đầu từ ga bến xe Suối Tiên, đi qua ga Đại học Quốc gia TPHCM đến ga Khu Công nghệ cao, ga Thủ Đức và ga Bình Thái.

Xem thêm: Người dân TPHCM hào hứng thử nghiệm tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên

z397634113821277427e9bab0946448d9bdac2c67ff34a-edited-1671594106335_11zon.jpg

Mỗi đoàn tàu thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) gồm 3 toa dài 61,5m; có thể chở 930 khách. Trong đó, có 147 khách ngồi và 783 khách đứng. Tốc độ tối đa theo thiết kế là 110km/h (đoạn trên cao) và 80km/h (đoạn hầm).

Theo thiết kế, đoạn trên cao có tốc độ tối đa là 110km/h. Nhưng quá trình chạy thử, để đảm bảo an toàn, đoàn tàu chỉ chạy tối đa tốc độ dưới 40km/h.

Theo kế hoạch, chủ đầu tư sẽ phấn đấu hoàn thành lắp đặt thiết bị trên toàn tuyến vào tháng 4/2023, để vận hành thử nghiệm toàn tuyến tháng 8/2023, đưa dự án vào khai thác thương mại vào cuối năm 2023. Hiện, tiến độ thi công toàn dự án đã đạt gần 94%.

Mới tìm thấy 1/25 cuốn sách cổ bị thất lạc

Theo báo Tuổi Trẻ, PGS-TS Nguyễn Đức Minh - phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xác nhận bị mất 25 cuốn sách cổ quý hiếm, các đơn vị chức năng đang triển khai tìm kiếm.

Cụ thể, tại tổng kết năm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm hôm 19/12, trong báo cáo tổng kết có đưa thông tin viện bị mất 25 cuốn sách so với danh mục sách được giao quản lý ghi trong biên bản bàn giao năm 2013. Như vậy việc mất sách đã được phát hiện từ tháng 7-2022, khi kiểm kê. Con số sách không có trên giá sách lúc đó là 29 cuốn.

Xem thêm: Viện nghiên cứu Hán Nôm nói gì về việc mất 25 quyển sách cổ quý hiếm?

hinh-anh-nam-quoc-du-dia-chi.jpg
Hình ảnh sách Nam quốc địa dư chí được số hóa.

Sau một tháng tìm ra được bốn cuốn, còn 25 cuốn chưa tìm thấy và được báo cáo lãnh đạo Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam hôm 19/12.

Theo Tiến sĩ, nghiên cứu viên cao cấp Nguyễn Xuân Diện - phó trưởng phòng văn bản học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kho sách mà Viện Nghiên cứu Hán Nôm được Nhà nước giao quản lý là tài sản quốc gia quý giá. Kho sách này kế thừa các kho sách cổ mà Viện Viễn Đông Bác Cổ sưu tập được.

Bởi sự quý giá, kho sách cổ chỉ giao chìa khóa cho một người và chỉ viện trưởng có quyền cho phép đưa sách cổ ra khỏi kho hoặc cho phép ai tiếp xúc trực tiếp với các bản sách cổ tại phòng đọc.

Ông Diện đánh giá 25 cuốn sách cổ bị mất lần này là những cuốn "cực kỳ quan trọng của văn hiến dân tộc", trong đó có 4 cuốn Toàn Việt thi lục thuộc 3 bộ khác nhau.

Đến chiều 21/12, PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm - xác nhận đã tìm thấy một trong số 25 cuốn sách bị thất lạc là 'Nam quốc địa dư chí', do bị bị kiểm kê ghi nhầm ký hiệu ST.49 thành ST.48/3.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thời sự 24 giờ: Đề nghị kỷ luật Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; mới tìm thấy 1/25 cuốn sách cổ bị thất lạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO