'Ùn ứ' người nghiện trẻ ngoài xã hội vì quy định cai nghiện?

09/12/2020 10:37

Trả lời băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ Công an giải thích, trẻ tuổi mới lớn ở nhóm dễ nghiện nhất nhưng đưa đi cai nghiện bắt buộc cần hết sức tính toán vì liên quan đến quyền con người, quyền trẻ em.

Đây là vấn đề được mổ xẻ tại phiên thảo luận của UB Thường vụ Quốc hội về dự thảo luật Phòng chống ma túy (sửa đổi) sáng 9/12.
Lực lượng "gác cửa", chặn ma túy từ biên giới
Báo cáo về những nội dung lớn cần xin ý kiến Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu vấn đề còn tranh luận về cơ quan chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy.
Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh khái quát, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với quan điểm giữ nguyên tắc như luật hiện hành: lực lượng chủ trì là công an, lực lượng phối hợp là cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan.
Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nêu lý do, phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội và tham gia của toàn dân. Hơn nữa, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy là công việc hết sức nguy hiểm và rủi ro nhưng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể phát sinh tiêu cực. Việc phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy sẽ làm tăng thêm sức mạnh và tính minh bạch trong công tác này. Vì vậy, nguyên tắc chủ trì và phối hợp cần được bảo đảm trong thực hiện các hoạt động ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.
Quy định về trách nhiệm, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với lực lượng công an và các cơ quan hữu quan thực hiện và áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, trong đó có hành vi vi phạm pháp luật về ma túy tại khu vực, địa bàn quản lý kiểm soát đã được quy định trong các luật chuyên ngành như Luật Cảnh sát biển, Luật Biên phòng.
Ùn ứ người nghiện trẻ ngoài xã hội vì quy định cai nghiện? - 1
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo luật.
Trao đổi thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương phân tích, quy định về các lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy gồm công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển và hải quan là thiết kế theo đúng luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, không có gì là chồng chéo, "giẫm chân" nhau giữa các lực lượng. Thượng tướng Lê Quý Vương lập luận, theo các luật hiện hành, Cục cảnh sát điều tra tội phạm ma túy thuộc Bộ Công an có thẩm quyền điều tra mọi vụ án ma túy trong phạm vi cả nước, qua tất cả các khâu của quy trình điều tra.
Còn đấu tranh với tội phạm ma túy, lực lượng bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan chỉ chịu trách nhiệm trong địa bàn hoạt động của mình, thẩm quyền cũng giới hạn ở khâu thực hiện biện pháp điều tra ban đầu, sau khi phát hiện, bắt giữ, khởi tố điều tra thì các vụ việc vẫn được chuyển cơ quan công an làm tiếp.
Thứ trưởng Bộ Công an cũng khẳng định, vai trò của các lực lượng phối hợp là "gác cửa biên giới", hệ thống pháp luật của hầu hết các nước như Hàn Quốc, Singapore hay Mỹ… đều như vậy.
Đưa trẻ em đi cai nghiện, thẩm quyền của ai?
Nội dung khác trong dự luận nhận nhiều ý kiến khác nhau là về Điều 40, quy định về biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc đối với trẻ em từ 12 tới dưới 18 tuổi. Tiếp thu ý kiến đề nghị quy định việc lập hồ sơ đưa người nghiện thuộc nhóm này vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc cần được thể hiện ngay trong luật, cơ quan tiếp thu đưa vào dự luật nội dung "hồ sơ phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan bảo vệ quyền trẻ em với các thông tin về điều kiện, hoàn cảnh, nhân thân và đề xuất phương án quản lý tốt nhất cho từng trường hợp".
Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định tiếp tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã cai nghiện ma túy bắt buộc nhưng vẫn nghiện, cơ quan giải trình nhấn mạnh quan điểm, đối tượng này thuộc nhóm được ưu tiên bảo vệ, biện pháp phải khác so với đối tượng từ 18 tuổi trở lên để thể hiện tính nhân văn của nhà nước.
Nếu quy định tiếp tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với nhóm trẻ em đã cai nghiện ma túy bắt buộc nhưng vẫn nghiện ma túy thì đã vô tình coi đối tượng này giống như trường hợp người từ đủ 18 tuổi trở lên bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.
Do đó, đề xuất bổ sung quy định này không được tiếp thu.
Về ý kiến đề nghị rà soát, đánh giá các điều kiện cần và đủ cho việc thực hiện chế độ học tập văn hóa, từ cơ sở vật chất, nguồn lực, đội ngũ nhân viên công tác xã hội cho đến chương trình giáo dục phổ thông dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội cho rằng, để bảo đảm đầy đủ quyền được học văn hóa của nhóm đối tượng này, với thời gian cai nghiện ma túy từ 6 - 12 tháng, trong  điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực của các cơ sở cai nghiện ma túy như hiện nay, việc quy định cụ thể trong luật sẽ khó bảo đảm tính khả thi.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, điều khoản luật này được thể hiện theo hướng quy định các cơ sở cai nghiện ma túy bảo đảm quyền lợi tốt nhất đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi trong thời gian cai nghiện bắt buộc.
Ùn ứ người nghiện trẻ ngoài xã hội vì quy định cai nghiện? - 2
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu thực tế vấn nạn người nghiện trẻ tuổi trong cộng đồng ngày càng lớn.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu vấn đề, nên chăng điều chỉnh thẩm quyền quyết định việc đưa người nghiện từ 12 tới dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện từ tòa án sang UBND.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng nêu thực tế, tại mỗi khu dân cư, nếu có trường hợp thanh thiếu niên nghiện, cộng đồng đều rất mong đưa người này đi cai. Quy trình chờ tòa án lập, quyết định được danh sách người cần bắt buộc đi cai thì sợ sẽ… ùn tắc. Ông Phúc cho rằng, cần đơn giản hóa thủ tục này hơn nữa.
Giải trình các ý kiến, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nói, với trẻ nhỏ, còn đang tuổi đi học, vui chơi thì việc đưa các em vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cần hết sức tính toán vì việc này liên quan đến quyền con người, quyền trẻ em, nguyên tắc đảm bảo tính chất nhân đạo... Tuy nhiên, ở độ tuổi này, trẻ lại ở nhóm dễ nghiện nhất nên cần phải tính toán cho phù hợp".
"Vậy nên, việc này thẩm quyền quyết định chỉ có thể là tòa án vì trong thời gian đi cai 6 - 12 tháng, còn phải tính tới việc học hành của các em" - ông Vương nhấn mạnh.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Ùn ứ' người nghiện trẻ ngoài xã hội vì quy định cai nghiện?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO