11 giảng viên Nhân văn xin nghỉ: Không khéo sẽ ảnh hưởng cả ngành Hàn Quốc học

04/03/2021 20:19

Việc 11 giảng viên Khoa Hàn Quốc học - ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) xin nghỉ ảnh hưởng tới danh tiếng của trường, nguy cơ ảnh hưởng cả ngành học.

Những ngày qua, sự việc 11 giảng viên khoa Hàn Quốc học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV) thuộc ĐHQG TP.HCM đồng loạt xin nghỉ việc nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận. Với một trường ĐH lớn, đây là sự việc đáng tiếc, ít nhiều ảnh hưởng đến danh tiếng của trường.

11 giảng viên Nhân văn xin nghỉ: Không khéo sẽ ảnh hưởng cả ngành Hàn Quốc học  - 1

Giảng viên khoa Hàn Quốc học gặp gỡ tân sinh viên. (Ảnh: Khoa Hàn Quốc học)

Được biết, cuối tháng 1/2021, nhà trường nhận được đơn nghỉ việc tập thể của 12 giảng viên (sau đó 1 người xin rút). Lý do các giảng viên này đưa ra là không đồng ý với những kết luận của trường về nội dung phản ánh đối với Trưởng khoa Hàn Quốc học.

Theo PGS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV TP.HCM, đơn xin nghỉ việc không đúng quy định, vì là đơn tập thể. Trường yêu cầu các giảng viên làm đơn theo cá nhân, để thực hiện đúng thủ tục, quy định pháp luật. Theo quy định của pháp luật, các giảng viên này được quyền đơn phương nghỉ việc. Do đó, nhà trường đã giải quyết chấm dứt hợp đồng lao động theo hình thức tự ý, đơn phương nghỉ việc.

Bà Lan cũng cho biết, nội bộ khoa Hàn Quốc học có nhiều bất đồng, sự việc đã được khoa báo cáo với trường từ tháng 9/2020.

Xử lý không khéo sẽ ảnh hưởng ngành Hàn Quốc học

Trả lời VTC News chiều 4/3 về vụ việc trên, ông Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông & Quan hệ doanh nghiệp, ĐH KHXH&NV TP.HCM cho biết, đây là sự việc không mong muốn, rất đáng tiếc. Sau vụ việc, nhà trường vẫn mời các giảng viên đã xin nghỉ cộng tác, thỉnh giảng nếu như các thầy cô có nguyện vọng hoặc muốn giảng dạy thì khoa và trường vẫn mời đứng lớp. Khoa vẫn vận động và thuyết phục các giảng viên vì đây là đội ngũ đã gắn bó với khoa lâu năm và có chuyên môn.

“Phía Hàn Quốc vẫn theo dõi rất là sát sao để đảm bảo ngành học được chú trọng và phát triển tốt. Và ngành Hàn Quốc học phát triển là một phần nhờ tài trợ của chính phủ Hàn Quốc. Cũng là vấn đề ngoại giao, xử lý không khéo sẽ ảnh hưởng đến cả ngành Hàn Quốc học của Việt Nam chứ không chỉ của mỗi trường Nhân văn TP.HCM”, ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, để đảm bảo số lượng giảng viên của khoa Hàn Quốc học và chất lượng chương trình đào tạo, nhà trường tuyển dụng bổ sung theo quy trình, điều chuyển giảng viên có trình độ phù hợp là những người đã từng du học Hàn Quốc về mà đang công tác tại khoa khác để bổ sung cho khoa.

“Sau vụ việc, nhà trường tuyển dụng và điều chuyển bổ sung giảng viên gần như là đầy đủ, đạt 80% số lượng.Trong thời gian tới, trường tiếp tục tuyển các giảng viên đủ tiêu chuẩn đứng lớp để đảm bảo chất lượng đào tạo của các chương trình trong khoa. Đến thời điểm này, thời khóa biểu và lịch học của sinh viên cơ bản vẫn ổn định theo như đã định, đảm bảo giảng dạy theo kế hoạch”, ông Nam cho biết thêm.

Ảnh hưởng quyền lợi sinh viên?

Về phía sinh viên khoa Hàn Quốc học, ông Trần Nam cho biết, khoa cũng gặp gỡ, chia sẻ cho sinh viên để các em biết về tình hình, từ đó có chia sẻ với khoa và ổn định tâm lý học tập bình thường.

11 giảng viên Nhân văn xin nghỉ: Không khéo sẽ ảnh hưởng cả ngành Hàn Quốc học  - 2

11 giảng viên Khoa Hàn Quốc học đồng loạt xin nghỉ khiến dư luận quan tâm.

Theo ông Trần Nam, hàng năm khoa Hàn Quốc học thu hút rất nhiều học sinh thi tuyển vào, trường mong muốn các em học sinh cứ an tâm đăng ký nguyện vọng thi tuyển giống như dự định ban đầu của mình, không vì vụ việc này mà rút lui, dao động. Vì khi thông báo tuyển sinh, trường đảm bảo các tiêu chuẩn và đội ngũ giảng viên của khoa đầy đủ, số lượng và chất lượng theo chuẩn quy định.

Trường vẫn tuyển dụng giảng viên thường xuyên. Hiện nay Khoa cũng có các giảng viên thỉnh giảng là người Hàn Quốc, cho nên các em học sinh thi tuyển vào cũng như sinh viên của khoa hãy cứ yên tâm về chất lượng giảng viên khoa Hàn quốc học”, ông Nam nói.

Theo PGS TS Trần Thành Nam, Chuyên gia Tâm lý học, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), tất cả việc biểu tình, bãi khóa hay nghỉ việc đồng loạt đều xuất phát từ mong muốn có một kết quả hay một thỏa hiệp mà hai bên đều có thể tạm hài lòng. Trong sự việc này, cần xem xét lại dưới góc độ ứng xử khéo léo giữa lãnh đạo và giảng viên với nhau và lợi ích giữa các bên cũng như tổng thể là lợi ích sinh viên, nhà trường.

Đây là tình huống căng thẳng không mong muốn của một trường ĐH, phải xử lý cho dứt điểm. Các giảng viên xin nghỉ việc có thể họ chưa có cái nhìn rộng hơn về hệ quả lâu dài cho những người xunh quanh, chẳng hạn là sinh viên. Có thể những người giảng viên đưa ra quyết định nghỉ việc họ cũng mâu thuẫn, tức là mâu thuẫn giữa việc phải chịu đựng hiện trạng và phải chịu đựng cái bất định là mất công việc”, ông Nam phân tích.

Được biết, ngay sau vụ việc, Ban Giám hiệu đã gặp Ban Chủ nhiệm khoa Hàn Quốc học để trao đổi về công tác quản lý. Hiệu trưởng đã nhắc nhở Trưởng khoa cần rút kinh nghiệm trong cách ứng xử với các giảng viên. Trường cũng gặp mặt tất cả giảng viên của khoa để tìm hiểu thêm thông tin, lắng nghe tâm tư nguyện vọng.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
11 giảng viên Nhân văn xin nghỉ: Không khéo sẽ ảnh hưởng cả ngành Hàn Quốc học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO