Thói quen xấu khiến người Việt phát hiện ung thư gan ở giai đoạn muộn

12/08/2022 09:46

Chủ quan cơ thể khỏe mạnh, nhiều người không khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các bệnh lý về gan. Không ít trường hợp phát hiện khi bệnh đã giai đoạn muộn gây khó khăn cho điều trị.

Tiền sử sức khỏe tốt, bệnh nhân L.N.T (70 tuổi) gần như rất ít đau ốm. Trước đây, hàng năm, ông T. đều đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, 2 năm Covid-19 vừa qua, do tuổi cao, ngại đến nơi công cộng như bệnh viện nên người bệnh không còn đi thăm khám sức khỏe định kỳ.

Sau đó, ông T bị sút cân nhanh chóng, ăn uống kém và mỏi mệt. Đi khám, người đàn ông này được chẩn đoán ung thư gan giai đoạn cuối. Kết quả khiến bệnh nhân và người nhà vô cùng bất ngờ. Vì tiền sử sức khỏe tốt, ông không nghĩ mình lại mắc căn bệnh này. Chỉ đến khi sút cân bất thường, bệnh nhân đi khám, bệnh đã chuyển biến xấu.

PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, nguyên Trưởng Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai, Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, cho biết, Tổ chức Y tế thế giới WHO thông tin tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B, C có xu hướng giảm nhưng do di chứng bệnh lý về gan B, C từ nhiều năm trước nên bệnh nhân nhân xơ gan, ung thư gan… vẫn còn tăng cao.

gfdf.png
PGS.TS Trịnh Thị Ngọc

Theo PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, hiện nay, bên cạnh những người rất quan tâm đến bệnh lý về gan, đi khám thường xuyên cũng có một số trường hợp (đặc biệt người dân ở vùng sâu xa, miền núi) không quan tâm hoặc không có điều kiện đi khám bệnh về gan. Từ đó dẫn đến việc nhiều trường hợp phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn.

“Triệu chứng ung thư gan thường nghèo nàn. Một số trường hợp chỉ vô tình đi khám mới phát hiện nhưng lúc này đã quá muộn, dẫn đến việc điều trị khó khăn”, bác sĩ cho biết.

Nữ bác sĩ cũng từng thăm khám cho trường hợp bệnh nhân 30 tuổi, không biết mình mắc viêm gan do virus. Người này tình cờ tham gia đợt khám sức khỏe của cơ quan và phát hiện có khối u. Bệnh nhân làm các xét nghiệm chuyên sâu, được chuẩn đoán mắc ung thư gan trên nền viêm gan virus. Tuy nhiên phát hiện muộn, việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo PGS.TS Trịnh Thị Ngọc bệnh nhân ung thư gan hầu hết đi khám đã ở giai đoạn muộn, gây tốn kém về điều trị và hiệu quả không cao. Muốn phát hiện bệnh lý gan sớm, chúng ta ph thường xuyên đi kiểm tra xem cơ thể có mang virus viêm gan B, C hoặc có mang bệnh gan thoái hóa mỡ hoặc gan nhiễm mỡ, viêm gan do rối loạn chuyển hóa…

"Một số dấu hiệu cảnh báo mắc bệnh lý về gan cần lưu tâm tới là hơi đau hạ sườn, nước tiểu màu vàng, thường xuyên bị dị ứng. Tuy nhiên, muốn biết chính xác gan đang có tổn thương hay không cần phải làm xét nghiệm và siêu âm gan", PGS.TS Ngọc nói.

Theo chuyên gia, cách tốt nhất để phát hiện sớm ung thư gan là khám sức khỏe định kỳ, siêu âm gan 6 tháng/lần, đặc biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như xơ gan, viêm gan mạn tính do rượu, viêm gan virus B, C… việc sàng lọc cần tiến hành thường xuyên liên tục 3 tháng/lần, ngay cả khi không có triệu chứng. “Việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời nhằm tránh biến chứng viêm gan cấp, cuối cùng thành xơ gan, ung thư gan”.

Về vấn đề ăn uống gây ra bệnh gan, PGS.TS Trịnh Thị Ngọc cũng phân tích: “Ngoài do virus, chế độ ăn uống cũng tác động rất lớn đến các bệnh về gan. Chúng ta ăn nhiều đồ chiên rán, thức ăn ôi thiu, để lâu ngày… sẽ làm tổn thương đến gan”.

BS Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I (Bệnh viện K) cũng đưa ra một số dấu hiệu cảnh báo ung thư gan:

Vàng da: Vàng da là biểu hiện của tình trạng chức năng gan suy giảm, dẫn tới hiện tượng bilirubin (sắc tố mật) tăng đột ngột trong máu khiến cho sắc tố da thay đổi sang màu vàng. Vàng da có thể là triệu chứng đầu tiên và thường thấy của nhiều căn bệnh về gan như xơ gan, viêm gan, rối loạn chức năng gan. Tuy nhiên, đây có thể xem là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo bệnh ung thư gan, không thể xem thường.

Sụt cân nhanh, đột ngột: Gan có 4 chức năng chính là chuyển hoá, dự trữ, thải độc và tạo mật. Khi gan bị tế bào ung thư tấn công sẽ bị suy yếu, không hoàn thành tốt các chức năng. Từ đó gây cảm giác ăn uống không ngon miệng, bụng chướng, mỏi mệt, ngấy đồ dầu mỡ, không hấp thụ chất dinh dưỡng cho người bệnh. Vì thế người bệnh thường bị giảm cân rất nhanh.

Khó chịu dưới sườn phải: Khi bắt đầu bị ung thư gan, người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu nhẹ ở vùng gan (nằm ở dưới sườn bên phải), thỉnh thoảng có thể xuất hiện những cơn đau, thậm chí có thể tự sờ thấy gan to hơn bình thường.

Nước tiểu sẫm màu: Chức năng gan kém hoặc ứ mật, một lượng lớn Bilirubin bị phá vỡ, theo máu thải qua nước tiểu, gây ra hiện tượng nước tiểu trở nên vàng sẫm, thậm chí là màu nâu. Biểu hiện này có thể là dấu hiệu cảnh báo rất đáng lưu ý về gan, bạn đừng bỏ qua.

Buồn nôn, nôn: Ung thư gan sẽ dễ gây ảnh hưởng đến các chức năng tiêu hoá của dạ dày, ruột, khiến người bệnh có các biểu hiện bất thường như buồn nôn, nôn hoặc chán ăn.

 Ngứa: Do chức năng gan suy giảm, bilirubin trong cơ thể tăng cao sẽ kích thích gây cảm giác ngứa da. Vì vậy, thấy cơ thể bị ngứa ngáy khó chịu ở mức độ nhiều cũng nên chớ chủ quan.

Mệt mỏi triền miên: Nếu cảm giác mệt mỏi kéo dài dai dẳng dù không hoạt động gì nặng nhọc,  kèm với bất kỳ triệu chứng khác liên quan đến suy giảm chức năng gan kể trên, không thể bỏ qua nguy cơ bị ung thư gan.

Trong giai đoạn muộn hơn của ung thư gan, các triệu chứng trên sẽ trở nên rõ ràng hơn. Thậm chí có thể xuất hiện thêm các biến chứng:

1. Rối loạn tiêu hóa: Bụng chướng rất to chèn ép gây khó thở. Sau ăn người bệnh thấy tức bụng, đầy hơi, buồn nôn và nôn mức độ nặng.

2. Người bệnh thấy mệt mỏi tăng nhiều, không thể lao động, gầy sút cân nhanh (5 - 6kg/tháng).

3. Đau tức vùng hạ sườn phải, có khi đau dữ dội, diễn ra thường xuyên liên tục.

4. Vàng da, vàng cả mắt, người bệnh còn đi đại tiện phân trắng/bạc màu (do mất sắc tố mật).

Theo Vietnamnet
https://vietnamnet.vn/phat-hien-ung-thu-gan-giai-doan-muon-do-thoi-quen-xau-cua-nguoi-viet-2047223.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/phat-hien-ung-thu-gan-giai-doan-muon-do-thoi-quen-xau-cua-nguoi-viet-2047223.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thói quen xấu khiến người Việt phát hiện ung thư gan ở giai đoạn muộn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO