Theo số liệu thống kê của Hội Thận học thế giới, ước tính thế giới đang có khoảng 500 triệu người có các vấn đề về bệnh lý mãn tính ở thận. Khoảng 3 triệu người bệnh trên thế giới đang sống nhờ các biện pháp thay thế như lọc máu, ghép thận.
Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 8.000 ca bệnh về thận mới. Chỉ tính riêng bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu là khoảng 800.000 người, chiếm 0,1% dân số.
Theo TS.BS Dương Văn Trung, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Bưu điện, thận làm việc rất nhiều cho cơ thể, vì vậy, việc bạn giữ cho bộ phận này an toàn rất quan trọng. Thật không may, nhiều người đã làm hại thận thông qua những thói quen sinh hoạt hằng ngày mà không biết. Dưới đây, vị bác sĩ chỉ ra 5 thói quen hàng đầu có thể gây hại cho thận nhiều người mắc phải.
Không uống đủ nước
Theo bác sĩ Trung, thận có chức năng chính là loại bỏ chất thải từ quá trình trao đổi chất khỏi cơ thể và điều chỉnh việc sản xuất các tế bào hồng cầu. Để làm điều này, thận rất cần nước, đúng hơn là cần một lượng nước nhất định. Khi bạn không uống đủ nước, máu sẽ bị cô đặc và lưu lượng máu đến thận sẽ ít hơn. Thói quen này làm cản trở thận loại bỏ độc tố khỏi cơ thể bạn, dẫn đến rất nhiều vấn đề không tốt cho sức khỏe.
Bác sĩ Trung khuyến cáo, điều cực kỳ quan trọng là bạn cần uống một lượng nước đầy đủ để điều chỉnh dòng chảy của chất lỏng trong thận. Theo đó, người trưởng thành khỏe mạnh nên uống ít nhất 8-10 ly nước hoặc nước ép trái cây mỗi ngày để giữ cho cơ thể có đủ lượng nước tốt. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng uống quá nhiều nước cũng không tốt cho thận. Do đó, bạn nên tránh uống quá nhiều nước. Hãy nhớ rằng, sự cân bằng là chìa khóa.
Ăn quá nhiều muối
Muối là gia vị không thể thiếu trong các bữa ăn hàng ngày của chúng ta. Tuy nhiên, bác sĩ Trung cho rằng, việc tiêu thụ quá nhiều muối cũng là tin xấu cho thận của bạn. “Thận chịu trách nhiệm chuyển hóa 95% lượng natri thu nạp qua thức ăn. Khi lượng muối ăn vào cơ thể ở mức cao, thận của bạn phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ lượng muối dư thừa. Điều này có thể dẫn đến giảm chức năng thận. Lượng muối dư thừa trong chế độ ăn uống của bạn cũng gây giữ nước và làm tăng huyết áp”, bác sĩ Trung chia sẻ.
Hút thuốc lá
Bác sĩ Trung cho rằng, hút thuốc lá sẽ tàn phá các mạch máu, làm giảm lưu lượng máu đến thận của bạn. Thói quen này còn có thể làm mất chức năng thận và làm cho các bệnh thận bạn đang mắc phải trở nên tồi tệ hơn.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có một mối liên hệ giữa hút thuốc lá và các bệnh liên quan đến thận. “Hút thuốc là một trong những nguyên nhân hàng đầu của bệnh thận giai đoạn cuối và suy thận”, bác sĩ Trung nhấn mạnh.
Uống nhiều bia rượu
Theo bác sĩ Trung, thận giúp cơ thể bạn lọc các chất có hại cho cơ thể, bao gồm cả rượu. Vì vậy, khi uống nhiều rượu, thận của bạn phải chịu nhiều áp lực, làm việc nhiều hơn. Uống rượu thường xuyên làm hại hệ thống tiết niệu của bạn. Rượu làm cơ thể mất nước trầm trọng, và mức độ dư thừa rượu trong cơ thể sẽ khiến các cơ quan của bạn bị thiếu nước dẫn đến hoạt động kém. Rượu cũng là một nguyên nhân gây ra bệnh gan, làm cản trở sự điều hòa lưu lượng máu đến thận.
Uống thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau được sử dụng để giúp giải quyết vô số vấn đề nhưng uống quá nhiều thuốc giảm đau có thể làm hỏng thận của bạn. Các loại thuốc giảm đau như aspirin làm giảm lưu lượng máu đến thận của bạn. Những loại thuốc này cũng độc hại trực tiếp đến mô thận, làm hỏng chức năng của nó. Mỗi năm 3% đến 5% trường hợp suy thận mới là do sử dụng quá nhiều thuốc giảm đau này.