Thói quen khiến người đàn ông mắc chứng ‘trên bảo dưới không nghe’

24/06/2022 18:23

Có bệnh lý tăng lipid máu, lạm dụng bia rượu và thường xuyên căng thẳng, thức khuya làm việc khiến người đàn ông 41 tuổi bị rối loạn cương dương.

Bệnh nhân T. (41 tuổi, kiến trúc sư ở Cầu Giấy, Hà Nội) phải đến gặp bác sĩ vào tháng 5/2022 vì rối loạn cương dương, giảm ham muốn tình dục. Tình trạng này đã diễn biến 1 năm nay nhưng ở mức độ nhẹ, 2 tháng gần đây anh T. mới cảm thấy khả năng cương dương bị suy giảm rõ rệt. Anh có tiền sử rối loạn tăng lipid máu 2 năm, uống rượu bia nhiều.

Qua thăm khám ban đầu, BS Hà Đức Quang - chuyên khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, thấy rằng anh T. hay gặp căng thẳng, làm việc với cường độ cao, thường xuyên thức khuya làm việc đến 1-2h sáng từ tháng 3/2022 sau khi công ty anh ký kết hợp đồng thiết kế khách sạn cho một chủ đầu tư ở Tây Hồ, Hà Nội.

Từ đó, BS Quang kết luận, bệnh nhân bị rối loạn cương do nguyên nhân phối hợp giữa yếu tố bệnh lý là tăng lipid máu và yếu tố tâm lý. Sau đó, anh T. được BS Hà Đức Quang tư vấn điều trị thuốc theo đơn kết hợp với thay đổi thói quen làm việc: không thức khuya, làm việc xen kẽ, nghỉ ngơi thư giãn hợp lý.

Người đàn ông này cũng điều chỉnh chế độ ăn, kiêng rượu, bia, thuốc lá, hạn chế các cuộc nhậu khi hội họp bạn bè và kí kết hợp đồng với đối tác. Đồng thời, anh dành khoảng 90 phút để tập luyện thể dục thể thao bao gồm tập cardio và bơi.

vcz.png
BS Hà Đức Quang thăm khám cho bệnh nhân.

Sau 2 tuần điều trị và thay đổi lối sống, sinh hoạt, bệnh nhân thông báo tình trạng rối loạn cương dương đã cải thiện rõ rệt. 2 vợ chồng hạnh phúc và anh cảm thấy có nhiều năng lượng hơn, người khỏe khoắn, yêu đời cũng như tích cực hơn.

“Hàng ngày khám bệnh, Bệnh viện chúng tôi tiếp nhận hàng chục bệnh nhân đến khám bệnh do rối loạn cương dương. Trong đó có khoảng 50% số bệnh nhân đến khám rối loạn cương dương do yếu tố tâm lý hoặc có liên quan đến yếu tố tâm lý”, BS Hà Đức Quang chia sẻ thêm.

Nguyên nhân rối loạn cương dương


Rối loạn cương dương là tình trạng mà một người đàn ông không thể đạt tới hay duy trì được "sự cương cứng của dương vật" để giao hợp thỏa mãn khi quan hệ tình dục. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến sự tự tin của đàn ông, chất lượng cuộc sống mà thậm chí còn gây tổn hại hạnh phúc lứa đôi.

Rối loạn cương chủ yếu do căng thẳng tâm lý được gọi là rối loạn cương tâm lý và chiếm khoảng 30-50% các trường hợp rối loạn cương. Trường hợp rối loạn cương gây ra bởi các bệnh mạch máu, thần kinh, nội tiết hay bệnh thực thể khác, là rối loạn cương thực thể, chiếm khoảng 50-80% trường hợp.

Theo BS Hà Đức Quang: “Đa số nam giới bị rối loạn cương vừa có yếu tố tâm lý, vừa có yếu tố thực thể”.

Trước đây, đa số trường hợp rối loạn cương dương được cho rằng là do nguyên nhân tâm lý nhưng hiện nay, nghiên cứu đã chỉ ra rằng rối loạn cương có thể do bệnh thực thể gây ra, nhất là ở bệnh nhân lớn tuổi. Tuy nhiên dạng phối hợp giữa 2 yếu tố thực thể và tâm lý là hay gặp nhất. Các nguyên nhân gây rối loạn cương bao gồm:

- Tuổi cao: Khi nam giới càng lớn tuổi, sức khỏe nói chung và tình dục nói riêng đều sẽ bị suy giảm, từ đó tỷ lệ mắc rối loạn cương dương cũng sẽ cao hơn.

- Rối loạn tâm lý: Căng thẳng, lo lắng do cường độ công việc cao, áp lực kinh tế, áp lực trong cuộc sống hôn nhân gia đình… sẽ khiến nhiều nam giới rơi vào trạng thái stress, căng thẳng kéo dài. Khi tâm lý nam giới không được giải tỏa, thư giãn sẽ tác động lên hệ thần kinh khiến dương vật không thể thực hiện đầy đủ chức năng của nó, dẫn đến tình trạng rối loạn cương dương ở nam giới.

- Rối loạn thần kinh: Bệnh não, chấn thương tủy sống, bệnh cột sống, bệnh thần kinh ngoại vi, tổn thương thần kinh thẹn cũng sẽ gây nên tình trạng “trên bảo dưới không nghe” ở nam giới.

- Rối loạn nội tiết: Suy tuyến sinh dục, tăng prolactin máu, cường giáp hoặc suy giáp, hội chứng cushing, bệnh Addison…

- Rối loạn mạch máu: Xơ vữa mạch máu, bệnh tim thiếu máu, bệnh mạch máu ngoại vi, suy tĩnh mạch, bệnh lý thể hang.

- Do thuốc: Thuốc hạ áp, thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm, estrogen và các thuốc kháng androgen, digoxin…

- Thói quen không lành mạnh: Sử dụng ma túy, lạm dụng rượu, hút thuốc lá…

- Bệnh khác: Đái tháo đường, suy thận, tăng lipid máu, cao huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…

BS Hà Đức Quang cho biết, với bệnh nhân rối loạn cương dương cần được thăm khám lâm sàng cẩn thận, tỉ mỉ, khai thác kỹ các yếu tố tâm lý, hành vi, lối sống, thói quen sinh hoạt, và tiền sử, bệnh sử và các yếu tố phối hợp.

Đối với những bệnh nhân bị rối loạn cương dương do nguyên nhân tâm lý đơn thuần cần được khai thác tìm hiểu, tư vấn, đưa ra các liệu pháp tâm lý, thay đổi lối sống, chế độ ăn uống hành vi, tập luyện giúp bệnh nhân giải tỏa được yếu tố tâm lý.

Thêm vào đó, có thể kết hợp với điều trị bằng thuốc giúp bệnh nhân cương dương tốt hơn, chức năng tình dục cải thiện sẽ khiến tâm lý bệnh nhân tự tin hơn, vững vàng hơn, dần dần giúp bệnh nhân đạt được trạng thái cương dương bình thường trở lại.

Đối với bệnh nhân rối loạn cương dương do nguyên nhân thực thể cần được thăm khám, khai thác tiền sử, bệnh sử, bệnh phối hợp để được điều trị cả căn nguyên khiến tình trạng bệnh được cải thiện tốt hơn, cũng như đáp ứng tôt nhất với các liệu pháp điều trị.

Theo Vietnamnet
https://vietnamnet.vn/benh-nhan-41-tuoi-roi-loan-cuong-duong-vi-cac-thoi-quen-hang-ngay-2031672.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/benh-nhan-41-tuoi-roi-loan-cuong-duong-vi-cac-thoi-quen-hang-ngay-2031672.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thói quen khiến người đàn ông mắc chứng ‘trên bảo dưới không nghe’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO