Thói quen ăn tiết canh, thịt tái...có thể dẫn đến nhiễm sán lợn, nguy hiểm tính mạng

ANH ĐÀO| 02/06/2022 17:39

Tại Việt Nam, nhiều người thường có thói quen ăn tiết canh lợn, thịt tái, ăn nhiều rau sống…tạo điều kiện thuận lợi nhiễm các loại sán, trong đó có sán lợn có thể gây nguy hiểm tính mạng.

20190318_153312_620261_avatar1552641342333.max-1800x1800.jpg
Hình ảnh trứng sán lợn kí sinh trên thịt lợn - Ảnh: Internet

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính trên thế giới có hơn 1 tỉ người nhiễm một hay nhiều loại giun sán đường ruột, và có khoảng 2 tỉ người có nguy cơ bị lây nhiễm. Hằng năm có khoảng 3,5 triệu trường hợp có triệu chứng liên quan đến các bệnh giun tròn.

Nhiễm sán vì ăn tiết canh, thịt tái

Cách đây không lâu anh V.S. (38 tuổi, ngụ tại Qùy Hợp, Nghệ An) thấy mình bị đau đầu triền miên, liệt nửa người, khi nhập viện đã được bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An phát hiện có sán trong não.

Theo lời kể của bệnh nhân trước khi nhập viện, một tháng, bệnh nhân S. xuất hiện những cơn đau đầu từ nhẹ đến nặng rồi đau liên tục, uống thuốc giảm đau không hiệu quả. Cách đây 1 tuần, bệnh nhân đau đầu nhiều, buồn nôn, sốt, tê yếu nửa người, tri giác chậm, nên được người nhà đưa vào viện cấp cứu.

Kết quả chụp CT não cho thấy có 5 ổ sán nằm rải rác trong não, trong đó có một ổ sán lớn trên đỉnh của bệnh nhân gây phù não.

Sau mổ, bệnh nhân hồi phục, tỉnh táo, không liệt, đi lại và sinh hoạt bình thường. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị thuốc đặc trị sán. Bệnh thường gặp ở người dân nơi có mức sống thấp, điều kiện vệ sinh môi trường kém, vùng có tập quán nuôi lợn thả rông hoặc ăn thịt lợn chưa nấu chín.

Tại Bệnh viện K Trung ương trước đó cũng tiếp nhận bệnh nhân 35 tuổi (Lào Cai) bị nhiều nang sán lớn làm tổ trong não, gây hôn mê.  Người nhà của bệnh nhân  cho biết, trước đó 2 tuần bệnh nhân bị đau đầu, choáng váng, sốt, lên cơn co giật.

Kết quả chụp cắt lớp vi tính phát hiện bệnh nhân có một khối u lớn trong não dạng nang, nghi ngờ trong não có nang sán hoặc khối u.

Các bác sĩ chỉ định phẫu thuật ngay, tiến hành bóc toàn bộ nang sán. Sau phẫu thuật 3 ngày, bệnh nhân tỉnh táo trở lại. Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần. Bệnh nhân thường xuyên ăn tiết canh từ nhiều năm nay, là nguyên nhân bị nhiễm sán dây lợn.

8-thuc-pham-nau-chin-khong-nen-de-qua-dem-de-gay-nguy-hiem-cho-suc-khoe-1.jpeg
Đun sôi thực phẩm ở nhiệt độ cao trong vòng 2 phút để phòng sán lợn - Ảnh: Internet

Thức ăn chưa nấu chín là nguyên nhân chính

Theo Bác sĩ Nguyễn Đức Liên - Trưởng Khoa thần kinh, Bệnh viện K Trung ương - sán dây lợn là một dạng ký sinh trùng trên cơ thể lợn. Sán xâm nhập vào cơ thể người do ăn phải thịt lợn bị nhiễm ấu trùng sán, trứng sán hoặc ăn rau sống không được rửa sạch.

Trứng và ấu trùng sán dây lợn trong thịt lợn thường giống như hạt gạo. Sán khu trú ở trong các bắp thịt lợn (thịt nạc vai nhiều nhất), óc, đặc biệt phần nhiều gân và mỡ của lợn.

Sán lợn sang người sẽ di chuyển khắp nơi trong cơ thể, chủ yếu ở não và vùng dưới da. Đặc điểm là bệnh nhân có dấu hiệu đau đầu, co giật do sán gây viêm màng não hoặc làm tổ nang sán chèn lên não, nên bị nhầm lẫn với viêm màng não, u não.

Sán lợn lên não sẽ chèn ép não, gây những tổn thương vùng não gây giảm trí nhớ, mất trí nhớ. Một số bệnh nhân chỉ đến bệnh viện khi tình trạng bệnh đã nặng, dẫn đến những triệu chứng như động kinh, co giật hoặc nổi u dưới da.

TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Trưởng khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung Ương – cho biết bệnh ấu trùng sán lợn thường bị nhiễm do cách ăn thực phẩm hoặc uống nước bị ô nhiễm bởi trứng sán dây từ phân người. Trong số các loại thực phẩm, rau chưa nấu chín là nguồn lây nhiễm chính. Trứng sán dây có trong phân của một người bị nhiễm giun trưởng thành, một tình trạng được gọi là bệnh sán dây.

Thói quen ăn đồ sống là mầm mống để bệnh sán phát triển rất nhanh, một số món ăn có thể gây nhiễm ấu trùng sán lợn gạo. Vật chủ chính của sán là người, còn vật chủ phụ là lợn. Ngoài lợn còn có chó mèo  đều có thể là vật chủ phụ của sán dây lợn.

Người ăn phải thịt lợn chứa ấu trùng sán dây chưa được nấu chín sẽ vô tình giải phóng ấu trùng ở đường tiêu hóa của mình. Đầu sán lúc này sẽ bám vào niêm mạc ruột non và phát triển thành sán dây trưởng thành. Theo thời gian, sán dây sẽ phát triển dần và nó có thể dài tới 7m.

Người ăn thịt lợn bị bệnh gạo mà chưa nấu chín kỹ thì rất có thể mắc bệnh sán dây lợn trưởng thành, từ đó sẽ mắc bệnh ấu trùng sán lợn.

Khi người bệnh mắc phải thì ấu trùng sán lợn gạo từ đường tiêu hóa, theo máu đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang. Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau.

Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1 – 2 cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết.

Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội. Nếu nang sán nằm trong mắt hoặc có thể tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù,

Triệu chứng nhiễm sán lợn không rõ rệt. Bệnh chủ yếu gây những triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ, … Người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài. Đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, đầu sán phẳng, một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân.

Với trẻ em sẽ làm ảnh hưởng tới vấn đề học tập và khả năng phát triển của não bộ, đồng thời cũng có thể gây ra những cơn co giật, ngất xỉu đột ngột.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân, không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm, phải tuân thủ quy tắc: “ăn chín, uống sôi”, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống (do nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành); không ăn rau sống không đảm bảo vệ sinh (do có nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).

Thông thường, ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 75 độ C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi trong vòng 2 phút. Cần quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh.

Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Không nuôi lợn thả rông.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thói quen ăn tiết canh, thịt tái...có thể dẫn đến nhiễm sán lợn, nguy hiểm tính mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO