Theo BS Ngô Thị Hà Phương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, sữa chua thực chất là sữa bò tươi hoặc sữa được pha theo công thức sữa tươi cho lên men với các chủng vi khuẩn có lợi cho đường ruột (lactobacillus bulgaricus và streptococus thermophilus). Quá trình chủ yếu xảy ra trong lên men sữa chua là đường lactoza chuyển thành đường glucoza, sau đó các đường đơn này chuyển thành axit piruvic, rồi chuyển thành axit lactic.
Sữa chua có giá trị dinh dưỡng cao, chứa đầy đủ các chất protein (với nhiều axit amin cần thiết, nhất là lysin), glucid, lipid, các muối khoáng (nhất là canxi) và vitamin, chủ yếu là vitamin nhóm B và A. Cái quý của sữa chua là ngoài giá trị dinh dưỡng còn có giá trị chữa bệnh tốt, nhất là các bệnh về đường ruột.
Sữa chua cung cấp cho cơ thể một lượng lớn các vi khuẩn có lợi (lactobacillus Acidophilus và Bifido Bacterium), giúp bảo vệ hệ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng. Có một số vi khuẩn trong sữa chua còn tạo ra kháng sinh có khả năng diệt các vi khuẩn có hại trong ruột.
Sữa chua đặc biệt thích hợp với người già, trẻ em, người mới ốm dậy, nhất là những người mắc bệnh về tiêu hóa.
Tác dụng của sữa chua với sự phát triển của trẻ
- Cân bằng hệ tiêu hóa
Trong sữa chua có rất nhiều các men vi sinh sống (hay còn được gọi là lợi khuẩn - Probiotics) giúp cân bằng hệ tiêu hóa non nớt của trẻ nhỏ. Do đó, sữa chua giúp điều hòa hệ thống tiêu hóa và giảm thiểu các tình trạng về đường ruột như tiêu chảy, táo bón....
- Giúp tăng cường hệ miễn dịch
Sữa chua là một trong những thực phẩm chứa các vi khuẩn sống - vi khuẩn lành mạnh có tên là lactobacillus casei và các vi khuẩn axit lactic. Đây là các vi khuẩn giúp hoạt hóa các tế bào miễn dịch, từ đó giúp cơ thể trẻ nhỏ tăng cường sức khỏe của hệ miễn dịch.
- Hỗ trợ phát triển hệ xương chắc khỏe
Sữa chua bổ sung vitamin cho trẻ và cung cấp canxi cần thiết, có vai trò rất lớn trong việc làm lành các vết thương và đảm bảo sự khỏe mạnh của hệ xương khớp. Vì thế nó giúp tăng cường sức khỏe của xương, phòng chống các bệnh về loãng xương sau này.
- Sữa chua giúp làm giảm viêm
Các vi khuẩn lactobacillus trong các loại sữa chua có thể giúp làm giảm tình trạng viêm xảy ra khắp cơ thể. Các vi khuẩn lành mạnh cũng có thể làm giảm và ngăn chặn tình trạng viêm trong ruột, giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa của trẻ tốt hơn.
Thời điểm nào nên bắt đầu cho trẻ ăn sữa chua?
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi có thể bắt đầu ăn được sữa chua. Tuy nhiên, bố mẹ nên lưu ý là không cho bé ăn quá nhiều. Thời tiết trở lạnh vẫn có thể cho bé ăn được sữa chua, nhưng nên ngâm sữa chua vào nước ấm như vậy sẽ tốt hơn cho hệ tiêu hóa của trẻ.
Mặc dù lợi ích sữa chua rất tốt cho sức khỏe nhưng bổ sung sữa chua vượt mức quy định thì cơ thể sẽ không hấp thụ hết và sẽ tự động loại thải ra ngoài theo hệ bài tiết. Thời điểm ăn sữa chua tốt nhất là sau khi ăn tối khoảng 30 phút đến 2 tiếng. Lý do là từ buổi tối đến nửa đêm là thời điểm hàm lượng canxi của cơ thể thấp nhất nên rất có lợi cho sự hấp thu canxi trong thực phẩm.
Lưu ý rằng khi dùng sữa chua vào buổi tối thì cần đánh răng kỹ vì sữa chua và các chất có tính axit trong sữa có thể gây hại cho răng. Bạn hãy bảo quản sữa chua trong tủ lạnh sau khi mua về, tốt nhất sử dụng sữa chua trong vòng 1 tuần sau khi mua. Khi mua cần xem kỹ hạn sử dụng của sản phẩm in trên bao bì để đảm bảo có thể sử dụng sữa chua một cách an toàn trong nhiều ngày.
Bạn cũng có thể kết hợp trái cây hoặc các loại hạt với sữa chua để bữa ăn nhẹ của bé trở nên phong phú hơn.
Ngoài ra, nếu ăn quá nhiều sữa chua trẻ sẽ rất dễ đối mặt với tình trạng quá nhiều axit trong dạ dày. Hiện tượng này sẽ ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày và bài tiết chất xúc tác tiêu hóa. Về lâu ngày sẽ làm mất đi cảm giác thèm ăn của bé.