Thời đại 4.0 mà vẫn yêu cầu giấy chuyển tuyến là hành người dân

Thanh Hà| 27/10/2023 11:01

Đó là phản hồi của người dân sau kiến nghị hủy bỏ thủ tục giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh.

Thời đại 4.0 mà vẫn yêu cầu giấy chuyển tuyến là hành người dân
Nhiều ý kiến bệnh nhân đồng tình việc bỏ giấy chuyển tuyến. Ảnh: Thùy Linh

Theo chị Lê Thanh Hiền (ở Hà Đông, Hà Nội), 7 tháng trước, ông của chị ở Vĩnh Phúc cảm thấy sức khỏe yếu, nên gia đình đưa đi khám và điều trị ở tuyến dưới nhưng chưa ra bệnh. Sau đó, gia đình đưa ông lên Bệnh viện Bạch Mai khám. Ông được phát hiện mắc ung thư phổi giai đoạn 3.

Mặc dù có chỉ định nhập viện nhưng ông buộc phải quay về Vĩnh Phúc, đến bệnh viện đang điều trị xin giấy chuyển tuyến rồi mới quay lại Hà Nội nhập viện điều trị. Thậm chí, ông phải ở lại bệnh viện tuyến dưới một tuần mới được ký giấy chuyển tuyến. Bởi phải có giấy chuyển tuyến, khi lên Bệnh viện K điều trị ung thư, ông mới được hưởng bảo hiểm y tế 80%.

“Ông già và yếu nên đi lại rất khổ, quãng đường 80km là cả một vấn đề với ông. Đã lên đến tuyến trên, bệnh nặng đến thế mà đích thân người bệnh phải lặn lội quay về chỉ để cầm trên tay tờ giấy chuyển viện”, chị Hiền bức xúc.

Chị cho rằng giấy chuyển tuyến rất “hành” người dân. “Tại sao ông tôi phải đi quãng đường xa như thế để quay về lấy một tờ giấy? Đồng ý rằng khám chữa bệnh ban đầu vẫn cần ở tuyến dưới. Nhưng tôi không hiểu giấy chuyển tuyến có ý nghĩa gì trong thời đại 4.0 này? Chẳng nhẽ không có cách nào khác để chuyển tuyến cho người dân sao?” - chị Hiền nói.

Cũng chia sẻ câu chuyện của mình, chị Trần Thanh Hà (ở Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, hồi tháng 6, con trai 10 tháng tuổi của chị bị viêm phế quản phổi, vào điều trị tại một bệnh viện thuộc quận Hà Đông. Bệnh viện không đông, tránh lây nhiễm cho con chị, đồng thời cũng sạch sẽ, bác sĩ quan tâm nên chị yên tâm điều trị. Tuy nhiên, sau 10 ngày, bệnh của con chị không hề thuyên giảm. Phổi vẫn còn ran rít, khò khè. Các chỉ số nhiễm trùng vẫn còn nguyên.

Lúc này, xót con, chị vội đưa tới Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Tình trạng bé lúc này nặng hơn và được bệnh viện tiếp nhận.

“Lúc đó, bệnh viện tuyến dưới mới gọi và đồng ý cho con tôi chuyển viện. Họ gọi tôi quay về lấy giấy chuyển tuyến. Mặc dù đoạn đường không xa nhưng tắc đường và con còn nhỏ, việc đi lại để lấy giấy không tiện”, chị Hà kể.

Chị cho rằng, với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, việc dùng bản cứng giấy chuyển viện là không hợp lý. Người dân có thể không cần phải xin giấy chuyển tuyến, thông tin vẫn được cập nhật, liên thông giữa các viện qua các phương tiện, hệ thống công nghệ.

Về việc lo ngại người dân đổ xô lên tuyến trên khám chữa bệnh, chị Hà cho rằng không phải ai cũng có tâm lý như vậy. Tuyến trên dù giỏi về chuyên môn nhưng những cơ sở này lại quá tải, đông đúc. Người dân cũng muốn điều trị ở những nơi gần nhà, thuận lợi nhất cho mình, không phải lúc nào cũng cần lên tuyến trên.

Do đó, khi các cơ sở y tế được nâng cao trình độ chuyên môn, có bác sĩ giỏi, giá cả hợp lý... người dân sẽ chọn lựa những tuyến phù hợp hơn.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thời đại 4.0 mà vẫn yêu cầu giấy chuyển tuyến là hành người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO