Từ trái qua: Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton, Ngoại trưởng Australia Marise Payne, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Washington ngày 16 /9. (Nguồn: Reuters) |
Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi Mỹ-Anh-Australia công bố hiệp định an ninh ba bên mới AUKUS ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó Washington và London sẽ cung cấp cho Canberra công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân.
Động thái này dẫn tới việc Australia đặt dấu chấm hết cho thỏa thuận trị giá 36,5 tỷ USD với một tập đoàn Pháp về việc mua 12 tàu ngầm tối tân thuộc lớp Attack, động thái khiến Pháp tỏ ra giận dữ.
Phát biểu họp báo sau các cuộc họp giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Mỹ và Australia tại Washington, ông Blinken nêu rõ: "Tôi muốn nhấn mạnh rằng, không có bất kỳ sự chia cắt khu vực nào có thể chia rẽ lợi ích của các đối tác Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Đặc biệt, Pháp là đối tác quan trọng trong vấn đề này".
Nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ cho biết Washington coi trọng "giá trị cơ bản" trong quan hệ với Pháp. Ngoài ra, ông cho hay đã liên lạc với các đồng nghiệp Pháp trong vòng 24-48 giờ qua.
Trong khi đó, Nhà Trắng bảo vệ quyết định cung cấp cho Australia công nghệ tiên tiến dành cho tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Nữ phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định, nước này coi trọng quan hệ đối tác với Pháp, nhấn mạnh rằng, Washington không cho rằng quan hệ đối tác với Canberra và London là một sự chia rẽ khu vực.
Tuy nhiên, Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục xem xét can dự nhiều hơn, huấn luyện các lực lượng mặt đất nhiều hơn và nâng cao dấu ấn hậu cần tại Australia.
Bên cạnh đó, bà Paski cho biết, thỏa thuận AUKUS không nhằm vào Trung Quốc, mặc dù Mỹ ngày một quan ngại về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Quan chức Nhà Trắng tuyên bố: "Chúng tôi không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc".
Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích AUKUS sau khi Mỹ-Anh-Australia công bố thỏa thuận trên. Mới đây nhất, ngày 16/9, Trưởng Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác ở Vienna (Áo) Vương Quân cho rằng, động thái ba bên này "hoàn toàn là một hành động phổ biến vũ khí hạt nhân".