Vợ chồng anh Phạm Văn Tình (thôn Bình Định) đang gấp rút hoàn thiện bộ bàn ghế Hương Đá để giao cho khách |
Về làng mộc Thái Yên (xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, không khí lao động vẫn rất khẩn trương, nhộn nhịp. Những người thợ cần mẫn dường như đang chạy đua với thời gian, hoàn thiện sản phẩm để giao cho khách hàng chơi Tết.
Đặt chân đến đầu làng đã nghe vang vọng âm thanh của các loại máy móc quen thuộc. Nơi này người cưa, nơi kia người đục, chỗ thì đánh nhẵn bề mặt sản phẩm, quét dầu. Thỉnh thoảng lại bắt gặp những chiếc xe kéo hàng đưa đi phun sơn tạo nên khung cảnh nhộn nhịp.
Trong xưởng mộc của gia đình, vợ chồng anh Phạm Văn Tình (thôn Bình Định) đang gấp rút hoàn thiện bộ bàn ghế Hương Đá. Do không thuê thợ nên hàng ngày chồng hì hục cưa đục lắp ráp, vợ kỳ cọ đánh nhẵn bề mặt sản phẩm. Hiện còn mấy mặt hàng khách đã đặt nên phải hoàn thành, dự kiến phải đến ngày 25 - 26 tháng Chạp mới nghỉ.
Anh Nguyễn Quốc Quân (bên trái), một trong những tay thợ có tiếng, kinh nghiệm làm nghề mộc đã gần 30 năm đang hướng dẫn thợ lắp ráp sản phẩm. |
Mỗi năm, cửa hàng đồ gỗ Thêm Quân sản xuất và bán được khoảng 50 bộ bàn ghế sa-lông cùng hàng nghìn sản phẩm gia dụng khác. |
Anh Nguyễn Quốc Quân (SN 1970, chủ cửa hàng đồ gỗ Thêm Quân), một trong những tay thợ có gần 30 năm kinh nghiệm cho biết, dịch bệnh phức tạp kéo dài nên ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của làng nghề. Tuy nhiên, những ngày gần Tết, hàng hóa bán khá chạy, giao dịch mua bán tấp nập.
“Xưởng nhà tôi thuê 6 người thợ nhưng thời gian này vẫn rất bận, có khi phải tăng ca làm cả ban đêm để kịp trả hàng cho khách. Theo dự kiến, đến ngày 26 tháng Chạp mới dọn dẹp nghỉ Tết được”, anh Quân nói.
Cũng theo anh Quân, bình quân mỗi năm xưởng mộc của anh sản xuất và bán được khoảng 50 bộ bàn ghế sa-lông, mỗi bộ khoảng 30 triệu đồng, chưa kể một số bộ bàn ghế nguyên khối bằng gõ đỏ trị giá 80 triệu ;cùng hàng nghìn sản phẩm bàn thờ, bàn ghế ăn, giường, tủ...
Ông Nguyễn Minh Hợi (thôn Bình Hà) cùng các thành viên trong xưởng đang gấp rút hoàn thiện sản phẩm theo đơn đặt hàng. |
Ấn tượng ở làng nghề này là khi người đàn ông tạo nên hình hài của sản phẩm thì người phụ nữ lại góp phần tô vẽ cho sản phẩm thêm đẹp. Dù công việc có phần nhẹ nhàng hơn nhưng bằng sự tỉ mẩn, những người phụ nữ kỳ công chà đánh, làm cho sản phẩm trơn bóng, nét thẩm mỹ tăng lên rất nhiều.
Ngoài người thợ mộc, công việc phun sơn cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Sản phẩm hoàn thành được chở đến các xưởng phun sơn để “làm đẹp” trước khi xuất bán. Đây là công đoạn cuối cùng của một sản phẩm nên những xưởng phun sơn thường phải nghỉ muộn nhất.
Anh Nguyễn Văn Năng, chủ xưởng phun sơn Năng Mai cho biết, xưởng phun của anh được xây dựng nhằm đáp ứng tiêu chí bảo vệ môi trường. Quá trình phun, bụi sơn được hút vào thác nước rồi rơi xuống và đọng lại ở bể, mùi sơn được quạt hút ra ngoài theo đường ống khói trên nóc mái nhà.
Dù công việc có phần nhẹ nhàng hơn nhưng bằng sự tỉ mẩn vốn có, những người phụ nữ làng nghề kỳ công chà đánh, làm cho sản phẩm trơn bóng, đẹp mắt hơn. |
Sau công đoạn chà đánh, làm cho sản phẩm trơn bóng, sản phẩm được quét véc ni để tạo màu. |
Do hàng hoá nhiều, họ phải tận dụng lề đường để kê các sản phẩm đang thực hiện. |
Vào những ngày này, cánh tài xế chở hàng cũng tất bật không kém. Anh Phan Công Trí (SN 1974, trú thôn Bình Định) cho biết, mặc dù dịch bệnh nhưng mấy tháng cuối năm lượng hàng bán rất chạy. Hàng hóa được bán đi khắp các địa phương trong tỉnh và cả các tỉnh lân cận.
“Hàng ngày tôi phải chạy xe chở hàng liên tục, nếu quãng đường gần thì chở được 4 chuyến, xa thì 2 chuyến, dường như không có ngày nghỉ. Toàn xã có trên 30 chiếc xe phục vụ vận chuyển hàng mộc mà vẫn kín lịch, nhiều khi không gọi ra xe để chở”, anh Trí cho hay.
Quá trình phun, bụi sơn được hút vào thác nước rồi rơi xuống và đọng lại ở bể, mùi sơn được quạt hút ra ngoài theo đường ống khói trên nóc mái nhà, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân trong thôn. |
Trao đổi với PV Infonet, anh Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch Hội Nghề mộc Thái Yên thông tin, mấy năm qua do dịch giã nên bị hạn chế nhiều, lượng hàng tiêu thụ chủ yếu ở Sài Gòn (TP.HCM) thì nay đã bị ''đóng băng'', khu vực Nghệ An và Quảng Bình bị giảm mạnh.
Cũng theo anh Hoàng, đây là làng nghề có từ lâu đời nên mẫu mã chất lượng rất đảm bảo. Qua những lần bình chọn sản phẩm nông thôn tiêu biểu đều đạt chất lượng 3 sao, 4 sao.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Nghề mộc Thái Yên cũng bày tỏ sự băn khoăn lo lắng do không thống nhất được giá cả, mạnh ai nấy bán. Từ khi thành lập cụm tiểu thủ công nghiệp, nhiều hộ sản xuất kinh doanh phải vay mượn ngân hàng để mua đất, đầu tư nhà xưởng, máy móc, gỗ lạt, vì thế, khi gần đến ngày nộp lãi thì lỗ cũng phải bán khiến nhiều hộ sản xuất bị ảnh hưởng.
Bộ bàn ghế được chở từ xưởng sơn về để bán cho khách hàng. |
Hiện nay, tại làng mộc Thái Yên có hơn 1.000 cơ sở chuyên sản xuất, cửa hàng kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân trong vùng. Doanh thu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của xã năm 2021 là 282 tỷ đồng, trong đó nghề mộc Thái Yên chiếm khoảng 70%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 là 41,6 triệu đồng.
Trần Hoàn