Các doanh nghiệp đã trữ đủ nguồn hàng
Theo đại diện Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (C.P Việt Nam), mặc dù dịch bệnh COVID-19 trên người và dịch tả lợn Châu Phi đang phức tạp, nhưng doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn, hệ thống các trang trại chăn nuôi lợn của C.P vẫn hoạt động ổn định, sản lượng chăn nuôi lợn của C.P vẫn giữ mức tăng trưởng từ 5-7% so với năm trước, C.P đã chủ động nguồn hàng lớn để đáp ứng nhu cầu thịt lợn trên thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.
Dự báo nguồn cung thịt lợn dịp Tết Nguyên đán sẽ không thiếu nếu dịch tả lợn Châu Phi được kiểm soát hiệu quả. Ảnh: Vũ Long |
Ông Nguyễn Hanh – chủ trang trại chăn nuôi lợn tại xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cho hay, hiện tại bình quân mỗi tháng trại của ông xuất chuồng khoảng 300 con lợn. Cũng như các trang trại khác luôn chủ động nguồn hàng để đón đầu một cơ hội tăng thêm thu nhập trong dịp Tết, các lứa lợn của ông sẽ đủ trọng lượng xuất chuồng đúng dịp.
"Mặc dù nguồn lợn trong dân giảm rất mạnh do chăn nuôi thua lỗ, nhưng lượng lợn tại các trang trại lớn hay các công ty, đặc biệt là các công ty nước ngoài còn rất nhiều, nguồn cung sẽ không thiếu" - ông Nguyễn Hanh thông tin.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, dự kiến trong những tháng cuối năm, nguồn cung thịt động vật sẽ được duy trì. Trong đó, sản lượng thịt lợn khoảng 62.000 tấn. Nhu cầu đối với mặt hàng thịt lợn dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 khoảng 19.260 tấn/tháng, Hà Nội có khả năng cung ứng 19.000 tấn/tháng (đáp ứng 98,65%), như vậy tỉ lệ thiếu rất nhỏ (1,3%). Để bổ sung số lượng thịt lợn còn thiếu, thành phố sẽ khai thác nguồn từ các địa phương như Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên…
Ông Trịnh Hùng Cường - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Hậu Giang - cho hay, dù nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không nuôi đón đầu thị trường Tết, nhưng dự đoán nguồn cung lợn thịt phục vụ thị trường Tết năm nay vẫn dồi dào, bởi trên địa bàn tỉnh còn hai điểm trung chuyển lợn của doanh nghiệp, có khả năng điều tiết, phục vụ lên đến khoảng 1.000 con/ngày cho Hậu Giang và các tỉnh, thành lân cận.
Dự báo nguồn cung thịt lợn dịp Tết Nguyên đán sẽ không thiếu nếu dịch tả lợn Châu Phi được kiểm soát hiệu quả. Ảnh: Vũ Long |
Hiện tại, các doanh nghiệp lớn như Masan, Vissan, C.P… cũng đã chủ động nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân trong dịp Tết.
Ông Nguyễn Ngọc An – Tổng Giám đốc Vissan - cho biết: Mặc dù dự báo sức mua sẽ giảm từ 10-20% do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người tiêu dùng giảm chi tiêu, nhưng Vissan đã chủ động nguồn cung thịt lợn cho dịp Tết Nguyên đán 2022, dự trù tài chính khoảng 750 tỉ đồng để tập trung chuẩn bị hàng hóa. Trong đó, số lượng thịt lợn tươi sống là 2.800 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ; các sản phẩm chế biến từ thịt lợn là 420 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Ông An cũng cho biết thêm, hiện nay, số lượng lợn tại các trang trại còn nhiều, Vissan cũng đã ký hợp đồng với các trang trại cung cấp nguồn lợn ổn định nên hoàn toàn đảm bảo nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán 2022.
Nguồn cung thịt lợn có thể biến động nếu dịch bệnh phức tạp
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành chỉ thị về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi (ASF). Lãnh đạo Chính phủ nhận định dịch ASF đang diễn biến phức tạp, đã xảy ra tại hơn 2.200 xã của 57 tỉnh, thành phố với tổng số lợn buộc tiêu hủy trên 230.000 con, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020, chiếm khoảng 0,8% tổng đàn.
Để công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi kịp thời, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung thịt lợn vào dịp Tết Nguyên đán và thời gian tiếp theo, Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch ASF.
Như vậy, nếu dịch ASF không được kiểm soát tốt có thể ảnh hưởng lớn nguồn cung thịt lợn. Ông Nguyễn Văn Thành – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi miền Bắc – miền Trung nhận định, tại thời điểm này sản lượng thịt lợn không thiếu, nhưng nếu dịch ASF diễn biến phức tạp, số lợn bị tiêu hủy tăng sẽ khiến thịt lợn bị thiếu hụt.
Bên cạnh đó cần tính nguy cơ nếu dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lưu thông khó khăn sẽ khiến nguồn cung thịt lợn thiếu hụt cục bộ tại một số địa phương.
(Theo Lao Động)