Thịt bò là một loại thức ăn bổ dưỡng hàng đầu trong các loại thịt nói riêng và thế giới thực phẩm nói chung. Có thể kể đến các chất dinh dưỡng quan trọng có trong loại thịt này như:
- Protein: Trong thịt bò có chứa hàm lượng lớn protein (Hàm lượng protein trong thịt bò nạc chế biến khoảng 26-27%). Protein trong thịt bò có chất lượng cao và chứa tất cả 8 axit amin thiết yếu cho sự tăng trưởng và duy trì cơ thể chúng ta.
- Vitamin B12: Cung cấp năng lượng cần thiết cho các tế bào, thúc đẩy chuỗi axit amin chuyển hóa cần thiết cho sự vận động của cơ thể ở cường độ cao.
- Vitamin B6: Rất quan trọng trong việc hình thành máu và tăng cường hệ miễn dịch.
- Kali: Khoáng chất này thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể. Ngoài ra kali xúc tác quá trình hấp thụ protein nên ảnh hưởng lớn đến sự hình thành cơ bắp.
- Sắt: Là nhân tố chính trong quá trình tạo máu.
- Niacin: Đây là một loại vitamin nhóm B. Nó có tác dụng hỗ trợ cho hoạt động của hệ tim mạch.
Nhiều người lựa chọn cách ăn thịt bò tái chỉ chần qua nước sôi hay áp chảo thời gian ngắn, thậm chí là vẫn còn đỏ au với quan điểm càng ít chế biến nhiệt, thịt sẽ càng giữ lại nhiều dưỡng chất. Ngược lại, cũng có không ít gia đình nấu thịt bò thật chín vì lo nguy cơ nhiễm các loại vi sinh vật. Vậy phương pháp nào là tối ưu nhất?
Theo TS Chu Thị Tuyết, Phụ trách Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), với thịt bò ăn tái và nấu chín về cơ bản không có sự thay đổi đáng kể về thành phần dinh dưỡng trong thịt bò.
"Các nghiên cứu về mặt dinh dưỡng so sánh thịt bò nấu chín và thịt sống đã tìm thấy, không có sự khác biệt đáng kể nào đối với hàm lượng vitamin B12 và hàm lượng folate, ngoại trừ thịt bò chiên", TS Tuyết cho hay.
Trong khi đó, theo chuyên gia này, việc ăn thịt bò chưa nấu chín có thể khiến chúng ta đối mặt với nguy cơ rước bệnh vào người.
"Việc tiêu thụ thịt bò sống rất nguy hiểm, vì nó có thể chứa vi khuẩn gây bệnh như: Salmonella, Escherichia coli (E. coli), Shigella… gây ra ngộ độc thực phẩm. Tất cả các vi khuẩn gây bệnh này đều bị tiêu diệt bằng nhiệt trong quá trình nấu chín", TS Tuyết phân tích.
Do đó, theo chuyên gia này, với thịt bò tối ưu nhất nên nấu chín, vừa không có nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn, trong khi đó vẫn giúp người ăn hấp thụ tối đa các dưỡng chất có trong loại thịt này.
Thịt bò và các loại thịt gia súc khác được xếp vào nhóm thịt đỏ. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để đảm bảo sức khỏe, cần có kiến thức và thực hành tiêu thụ thịt đỏ ở mức hợp lý. Quỹ phòng chống ung thư quốc tế và Viện nghiên cứu ung thư Hoa kỳ đã đưa ra khuyến nghị như sau:
Nên tiêu thụ không quá ba lần thịt đỏ mỗi tuần, tổng lượng thịt đỏ trong một tuần vào khoảng 350 - 500g sau chế biến (tương đương tối đa khoảng 700g thịt sống và không bao gồm trọng lượng của xương). Nếu tính theo ngày thì lượng thịt đỏ không nên vượt quá 70g/ngày (thịt đã chế biến chín), tương đương khoảng 100g/ngày thịt sống không bao gồm phần xương.
Như vậy khuyến cáo đưa ra một định lượng cụ thể để mọi người có thể điều chỉnh lượng thịt đỏ trong khẩu phần của mình. Khuyến cáo cũng đưa ra, nên sử dụng thịt nạc, tăng cường sử dụng thịt gia cầm, cá, trứng, sữa là những thực phẩm để thay thế thịt đỏ trong bữa ăn hàng ngày nhằm đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu về protein và vi khoáng chất.