Vào viện khám BHYT phải ra ngoài tự mua thuốc
Anh N.V.D – người nhà của bệnh nhân đang điều trị nội trú tại tầng 6 của Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ bức xúc cho biết: Người thân của tôi đang điều trị nội trú tại bệnh viện đến thời điểm này hơn 10 ngày. Mặc dù bệnh nhân có bảo hiểm y tế (BHYT) và chuyển viện đúng tuyến theo quy định nhưng khi điều trị nội trú tại đây phải đi mua thuốc, vật tư y tế để thực hiện điều trị. Khi hỏi vì sao phải đi mua thì nhân viên y tế của bệnh viện nói bệnh viện đã hết thuốc và vật tư y tế.
“Trong vòng hơn 10 ngày điều trị tại đây, tôi phải đi mua thuốc và các trang thiết bị, vật tư y tế với tổng số tiền hơn 30 triệu đồng. Điều bức xúc nhất là tới những viên thuốc, vật tư thông thường như paracetamol, găng tay, thuốc sát trùng,... mà bệnh viện cũng không có. Người thân của bệnh nhân đành phải bỏ tiền túi đi ra các nhà thuốc ở ngoài để mua cho bệnh nhân điều trị” – anh D nói.
Chia sẻ với PV Báo Lao Động, ông N.V.X là bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ cho biết, ông có BHYT và chuyển viện đúng tuyến lên Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ để điều trị. Khi nghe thông tin từ những người bệnh cùng phòng bệnh về việc dù có BHYT cũng phải mua thuốc ở ngoài để điều trị, ông cảm thấy hoàng mang, vì sắp tới được chỉ định phẫu thuật.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang, người bệnh khi đi khám theo diện BHYT nhưng khi khám xong, bác sĩ kê đơn cho người bệnh ra các nhà thuốc bên ngoài tự mua vì tại bệnh viện không còn thuốc.
Bà Nguyễn Thị Đen (ngụ xã Hỏa Lựu, TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) cho biết, sáng ngày 10.6, bà đến BVĐK tỉnh Hậu Giang khám bệnh rối loạn tiền đình và bệnh mất ngủ theo diện bảo hiểm y tế. Khi khám xong, bác sĩ kê đơn thuốc rồi bảo bà tự mua thuốc vì bệnh viện không còn thuốc. Những loại thuốc bà phải tự mua là: Tanganil 500mg, Tamico và Dưỡng tâm an thần.
Theo bà Đen, cách đây vài ngày, chồng bà bị bệnh tiểu đường mang thẻ BHYT đến khám tại BVĐK tỉnh Hậu Giang cũng được bác sĩ ra đơn và kêu tự mua thuốc chứ bệnh viện không còn đủ thuốc.
“Vợ chồng tôi ngoài sáu mươi tuổi rồi, nhà cũng nghèo nhưng cố dành dụm mua BHYT. Vậy mà bây giờ cầm thẻ BHYT đi khám bệnh phải tốn hàng trăm nghìn mua thuốc” – bà Đen bức xúc nói.
Tháo gỡ khó khăn để phục vụ người bệnh
Trao đổi với PV Báo Lao Động qua điện thoại, một Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ xác nhận tình trạng thiếu thuốc khi bệnh nhân có BHYT đến khám và điều trị nội và ngoại trú là có. Hiện nay, bệnh viện đã có công văn gửi Sở Y tế và UBND TP để xin chủ trương cho xét thầu mua một gói thầu nhỏ để “chữa cháy” trong thời gian này.
Theo lãnh đạo Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ, trước mắt, đối với thuốc điều trị bệnh viện không có nhưng người bệnh không đồng ý mua thuốc thì bệnh viện sẽ chuyển viện lên tuyến trên. Đồng thời, bệnh viện đang đẩy nhanh thủ tục mời gọi đấu thầu, cuối tháng này sẽ xét thầu.
Trao đổi với PV Báo Lao Động qua điện thoại, ông Đồng Văn Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, Sở Y tế tỉnh Hậu Giang đã báo cáo về thực trạng này, UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo, đối với những loại thuốc cần thiết sử dụng tại các bệnh viện, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho phép mua để kịp thời phục vụ người dân. Ngoài ra, đối với gói tổng thể, dự kiến tháng 7.2022 sẽ đấu thầu mua bổ sung thêm các loại thuốc để phục vụ người dân.