Phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 9 do UBND tỉnh tổ chức, bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai nêu ra 2 giải pháp.
Một là sẽ phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho tỉnh gửi văn bản đề nghị Bộ Nội vụ giao bổ sung biên chế cho Lào Cai.
Hai là áp dụng giải pháp tình thế để bảo đảm kế hoạch năm học như tiếp tục phong trào “phòng giúp phòng, trường giúp trường” và xin hỗ trợ chia sẻ kiến thức trực tuyến.
"Chúng tôi cũng có văn bản gửi đến giám đốc ngành giáo dục các tỉnh có chương trình ký kết phối hợp với Lào Cai. Từ đó, đề nghị họ hỗ trợ dạy kết nối trực tuyến, nhất là những môn giáo viên thiếu nhiều như tiếng Anh. Ngay cả môn Toán bây giờ cũng đang thiếu", bà Nguyệt nói.
Cần giải pháp dài hơi
Vấn đề thiếu giáo viên không phải lần đầu tiên xảy ra ở Lào Cai. Theo ông Mạc Trọng Khang, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Sở GD&ĐT tỉnh này, khoảng 5 - 6 năm trở lại đây, việc tuyển dụng giáo viên ở địa phương gặp khó khi nguồn tuyển ngày một khan hiếm.
Nếu như trước kia một vị trí có nhiều giáo viên ứng tuyển thì nay rất nhiều vị trí đều bỏ trống. Riêng năm 2022, Lào Cai tổ chức tuyển 2 đợt với tổng 1.200 vị trí giáo viên, nhưng kết quả chỉ tuyển được 1/3. Không ít trường hợp thi đỗ nhưng không tới nhận việc.
"Có những trường hợp thi ở Lào Cai nhưng trong khoảng thời gian chờ người ta tiếp tục thi ở rất nhiều tỉnh, đỗ cùng lúc nhiều nơi nên họ có sự lựa chọn, nơi nào điều kiện công tác thuận lợi hơn thì họ sẽ ở. Lào Cai có tới 70% các trường nằm ở địa bàn vùng cao, trong khi các tỉnh miền xuôi luôn có điều kiện thuận lợi hơn", ông Mạc Trọng Khang nói.
Nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ngay từ trước năm học, UBND tỉnh Lào Cai đã có chỉ đạo tuyển dụng giáo viên hợp đồng. Tuy nhiên, đến nay mới hợp đồng được 120/618 vị trí.
Ông Mạc Trọng Khang cho hay, nhằm giải quyết bài toán đội ngũ lâu dài, tránh việc thừa thiếu cục bộ như thời gian qua, ngành giáo dục Lào Cai đang tính toán để tham mưu cho tỉnh xây dựng một Chiến lược phát triển giáo dục cả giai đoạn, tầm nhìn đến năm 2050.
"Chiến lược này hiện nay bộ cũng chưa ban hành nhưng Lào Cai đang nghiên cứu để làm trước. Nếu không có thì rất khó để đảm bảo cho các thế hệ sau. Còn khi có chiến lược rồi thì sẽ hình thành nên các đề án, gắn với tầm nhìn như vậy rồi thì tỉnh cũng sẽ có cơ chế riêng để phát triển nguồn nhân lực", ông Khang cho hay.
Áp lực đè nặng
Tham luận tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI do Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức hồi trung tuần tháng 8, bà Lưu Thị Hiên, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai cũng đề cập những tác động của việc thiếu giáo viên.
"Một số môn học mới giáo viên phải dạy gần môn, chéo môn khi chưa được đào tạo chuyên môn sâu cũng khó để đảm bảo chất lượng như mong muốn. Học sinh các cấp học bậc học một số trường học chưa được học đầy đủ các môn ngoại ngữ, tin học, các môn chuyên biệt, các môn tự chọn do thiếu giáo viên".
Báo cáo tại Hội nghị còn chỉ ra, thiếu nhiều giáo viên, nhân viên nên giáo viên phải làm vượt định mức nhiều, kiêm nhiệm nhiều việc khác nên bị áp lực, hiệu quả công tác không cao.
Trong vòng 10 năm qua, Lào Cai đã mạnh tay xóa gần 400 điểm trường lẻ, giúp hàng vạn học sinh khó khăn được về trường chính học tập trong môi trường tốt hơn. Tuy nhiên, dồn lớp, ghép trường cộng với quy mô học sinh tăng tới 50.000 em sau 1 thập kỉ khiến áp lực đè lên vai giáo viên ngày một lớn.
Thêm một nghịch lý, mặc dù 10 năm qua, Lào Cai năm nào cũng thiếu khoảng trên dưới 1.000 giáo viên nhưng vẫn phải thực hiện tinh giản đội ngũ.
"Ngành giáo dục mà lại tinh giản biên chế theo kiểu 10% thì tôi cho rằng bất hợp lý. Chúng tôi rất mong ngành giáo dục và ngành nội vụ tham mưu cho tỉnh để có cơ chế nào đó tốt hơn", ông Nguyễn Quang Úy, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Bảo Thắng nêu trong tham luận Hội nghị .
Trong khi đầu vào khó tuyển dụng, rà soát từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh Lào Cai còn có trên 300 trường hợp giáo viên nghỉ việc khiến tình thế càng thêm nan giải.
Kết quả điều tra dư luận xã hội đối với gần 9.000 trường hợp cán bộ, giáo viên địa phương của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai mới công bố cho thấy, gần 70% người được hỏi cho rằng họ đang phải chịu áp lực cao đến rất cao.
Đối với vấn đề này, bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai thẳng thắn chỉ ra 2 thứ áp lực lớn nhất mà ngành đang phải đối mặt. Một là mức sống hiện nay chưa đảm bảo nên các thầy cô phải bươn chải để lo cho gia đình mình. Hai là các kỳ thi, cuộc thi triển khai từ Trung ương đến tỉnh.
"Thống kê trong toàn ngành chúng tôi 1 năm có 15 cuộc thi chính thống từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn lại nhiều kỳ thi khác của các sở, ngành liên quan thì lực lượng chính cũng là các thầy cô và học sinh", bà nói.
Bà Nguyệt cũng cho hay, chính sách đãi ngộ đối với giáo viên vô cùng quan trọng và chủ trương Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI cũng nêu rõ rằng, lương của nhà giáo phải được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp, có phụ cấp tùy theo tính chất công việc và theo vùng.
Theo bà Nguyệt, đây là chủ trương trong Nghị quyết 29 đã được ban hành nhưng hiện nay chưa được thực hiện và đề nghị Chính phủ phải nghiên cứu có chính sách đặc thù riêng cho giáo viên công tác ở các vùng cao, vùng sâu, miền núi như Lào Cai thì mới có thể thu hút và giữ chân được đội ngũ.