Thiếu cát đắp nền vành đai 3, TPHCM đề nghị khai thác mỏ hồ Dầu Tiếng

Q.Huy| 10/04/2023 19:22

Việc cung cấp vật liệu cát làm vành đai 3 đang gặp khó do nhiều dự án cao tốc triển khai cùng lúc, UBND TPHCM đã đề nghị các tỉnh cho phép khai thác cát tại hồ Dầu Tiếng để bù phần còn thiếu.

Ngày 10/4, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đã ký văn bản khẩn gửi UBND tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh về việc sử dụng nguồn cát tại hồ Dầu Tiếng cho dự án vành đai 3 TPHCM.

UBND TPHCM cho biết, qua rà soát, dự án vành đai 3 cần hơn 1,6 triệu m3 đất đắp nền đường; hơn 7,2 triệu m3 cát đắp nền đường; hơn 1,4 triệu m3 cát xây dựng và hơn 4,4 triệu m3 đá xây dựng. Trong đó, hầu hết các loại vật liệu đã đáp ứng cơ bản nhu cầu, tuy nhiên cát đắp nền đường vẫn gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm nguồn cung.

Thiếu cát đắp nền vành đai 3, TPHCM đề nghị khai thác mỏ hồ Dầu Tiếng - 1

TPHCM đề nghị các địa phương cho phép khai thác cát tại hồ Dầu Tiếng để làm vành đai 3 (Ảnh: H.G.).

Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cho ý kiến, việc cung cấp vật liệu cát gặp nhiều khó khăn do nhiều dự án đường cao tốc đang triển khai cùng lúc. Chủ đầu tư dự án vành đai 3 TPHCM cần tính đến phương án sử dụng nguồn cát tại khu vực hồ Dầu Tiếng (thuộc 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước).

Do đó, UBND TPHCM đề nghị các tỉnh quan tâm và sớm có chủ trương cho phép khai thác khoáng sản cát xây dựng, cát đắp nền tại hồ Dầu Tiếng. Các địa phương cần phối hợp và hỗ trợ tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng để khảo sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng nguồn cát tại khu vực này.

Theo báo cáo ngày 4/4 của Ban Quản lý dự án đầu xây dựng các công trình giao thông, đất đắp nền đường đạt khoảng 1,7 triệu/1,6 triệu m3 (vượt 106% nhu cầu dự án). Đá xây dựng đạt yêu cầu khoảng 6,2 triệu/4,4 triệu m3 (vượt 141% nhu cầu dự án).

Cát xây dựng đáp ứng khoảng 1,1 triệu/1,4 triệu m3, đạt 73% nhu cầu dự án. Cát đắp nền đường đáp ứng khoảng 5,8 triệu/7,2 triệu m3 (đạt 80% nhu cầu dự án).

Dự án Vành đai 3 TPHCM với tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng, có tầm quan trọng đặc biệt trong việc kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, tạo không gian và động lực phát triển kinh tế - xã hội cho TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dự kiến khởi công dự án vào tháng 6/2023, cơ bản hoàn thành, thông xe phần cao tốc năm 2025.

Tuyến Vành đai 3 thuộc địa phận TPHCM dài 47km, đi qua TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi và huyện Bình Chánh.

Tại tỉnh Bình Dương, dự án dài khoảng 10,75km, đi qua địa bàn thành phố Dĩ An, Thủ Dầu Một và Thuận An.

Ở tỉnh Long An, dự án có chiều dài hơn 6,8km, chủ yếu đi qua 2 xã Mỹ Yên và Tân Bửu của huyện Bến Lức.

Riêng tỉnh Đồng Nai, dự án chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn gồm 2 dự án thành phần, tổng chiều dài khoảng 34,4km.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thiếu cát đắp nền vành đai 3, TPHCM đề nghị khai thác mỏ hồ Dầu Tiếng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO