Thiên thạch khổng lồ đang lao về Trái Đất với vận tốc hơn 37.000 km/h

Theo VTC News| 28/04/2022 13:49

Tiểu hành tinh đường kính lớn gấp đôi tòa nhà Empire State sẽ bay ngang qua Trái đất trong vài giờ tới.

Ở khoảng cách gần nhất, tiểu hành tinh mang tên 418135 (2008 AG33) cách Trái đất 3,2 triệu km, tức là gần gấp 8 lần khoảng cách trung bình giữa Trái đất và Mặt trăng.

Khi đi vào quỹ đạo của Trái đất, 2008 AG33 sẽ di chuyển với tốc độ 37.400 km/h, gấp khoảng 30 lần tốc độ âm thanh.

Với đường kính ước tính vào khoảng 780 m, tiểu hành tinh này được xếp vào nhóm có thể gây nguy hiểm cho Trái đất.

Dựa trên đánh giá của NASA, tất cả các vật thể lớn hơn 150 m và tiếp cận Trái Đất trong khoảng cách 7,5 triệu km được xét vào nhóm “nguy cơ đe dọa”. Các tảng đá không gian này được giám sát chặt chẽ bởi bất cứ độ lệch nhỏ nào trong quỹ đạo cũng có thể khiến nó va chạm với Trái đất.

Thiên thạch khổng lồ đang lao về Trái Đất với vận tốc hơn 37.000 km/h - 1
(Ảnh minh họa: Getty Image)

Dù vậy, các chuyên gia của NASA khẳng định 2008 AG33 sẽ không gây hại tới hành tinh của chúng ta trong lần bay sượt qua tới đây.

2008 AG33 được phát hiện lần đầu vào tháng 1/2008 bởi các nhà thiên văn học tại Núi Lemmon SkyCenter ở Arizona (Mỹ). Lần cuối cùng tiểu hành tinh này tiếp cận gần Trái đất là vào tháng 3/2015.

Cứ 7 năm một lần tiểu hành tinh này lại bay ngang qua Trái đất. Dự kiện lần ghé thăm tới đây của nó vào khoảng tháng 5/2029.

2008 AG33 không phải là thiên thạch duy nhất lao tới Trái đất trong các tuần tới.

Hôm 30/4, tiểu hành tinh mang tên 2022 HX1 với đường kính vào khoảng 82 m sẽ bay sượt qua Trái đất ở khoảng cách 13 triệu km.

Trung tâm Nghiên cứu Vật thể Gần Trái Đất (CNEOS) cảnh báo không nên quá lo ngại về kịch bản tiểu hành tinh va chạm với Trái đất. Nhưng điều đó không có nghĩa khả năng này bị loại bỏ hoàn toàn.

Tháng 11/2021, NASA phóng tàu vũ trụ DART nhằm thử nghiệm công nghệ khả năng thay đổi quỹ đạo của một tiểu hành tinh để tránh các va chạm với Trái đất.

Mục tiêu của DART là chuyển hướng tiểu hành tinh Dimorphos, quay quanh một tiểu hành tinh lớn hơn tên là Didymos. Vào mùa thu năm 2022, DART sẽ đâm vào tiểu hành tinh mục tiêu Dimorphos để thay đổi quỹ đạo của nó.

Sau va chạm, các nhà khoa học sẽ đo lường sự thay đổi trong quỹ đạo của Dimorphos bằng kính thiên văn trên mặt đất và đưa ra các đánh giá.

Ngoài NASA, Trung Quốc cũng đang nghiên cứu hệ thống bảo vệ Trái đất khỏi các tiểu hành tinh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thiên thạch khổng lồ đang lao về Trái Đất với vận tốc hơn 37.000 km/h
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO