Thiên tai năm 2022 'nuốt chửng' gần 20.000 tỷ đồng

Nguyễn Dương| 31/12/2022 10:39

Năm 2022, cả nước ghi nhận hơn 1.000 trận thiên tai, với 21 trên tổng số 22 loại hình thiên tai; làm 175 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước khoảng 19.500 tỷ đồng.

Ngày 30/12 tại Hà Nội, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Năm 2022, cả nước ghi nhận hơn 1.000 trận thiên tai, với 21 trên tổng số 22 loại hình thiên tai. Thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật trên các vùng miền cả nước đã làm 175 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước khoảng 19.500 tỷ đồng.

Thiên tai năm 2022 nuốt chửng gần 20.000 tỷ đồng - 1

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Minh Long).

Cùng nhìn nhận những hạn chế, tồn tại cũng như đề xuất giải pháp phòng chống thiên tai trong năm 2023 hiệu quả sát với thực tế, các đại biểu cho rằng, tần suất và các loại hình thiên tai lớn như: siêu bão, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, động đất… tiếp tục là nguy cơ cao đe dọa sự an toàn và phát triển bền vững của đất nước, đòi hỏi công tác phòng chống thiên tai phải ngày càng hiệu quả và quyết liệt hơn.

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục khí tượng thủy văn thông tin, theo dự báo, hiện tượng La Nina còn duy trì từ nay đến hết mùa Xuân với xác suất từ 70% đến 75%, sau đó có xu hướng chuyển dần sang trạng thái trung tính vào những tháng mùa hè.

"Xu thế khí hậu năm 2023 có khả năng xuất hiện mưa trái mùa ở Nam Bộ trong các tháng đầu năm, các đợt mưa lớn xuất hiện có khả năng xảy ra không nhiều như những năm chịu tác động của hiện tượng La Nina. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới năm 2023 trên khu vực Biển Đông cũng như ảnh hưởng đến đất liền có khả năng ít hơn so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên vẫn có thể xuất hiện những cơn bão mạnh, mưa cường độ lớn ở khu vực Trung bộ", ông Cường cho biết.

Tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ phòng chống ứng phó hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đặt ra ngày càng nặng nề.

Chính vì vậy, ông Hưng cho rằng cần đầu tư nâng cấp hệ thống quan trắc theo dõi, giám sát thiên tai để nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo báo động, đặc biệt chú trọng luyện tập và diễn tập ứng phó với tình hình mưa lũ với các kịch bản phải sát với tình hình và diễn biến của thiên tai.

Thiên tai năm 2022 nuốt chửng gần 20.000 tỷ đồng - 2

Trận mưa ngập lịch sử ở Đà Nẵng hồi tháng 10/2022 (Ảnh: Nam Anh)

"Các khu neo đậu tránh trú bão hầu hết các tỉnh hiện nay gần như đã quá tải. Khi có bão, áp thấp nhiệt đới không có chỗ cho các phương tiện vào neo đậu, dẫn đến khó khăn trong sắp xếp tàu thuyền neo đậu rất dễ va đập chìm đắm tàu thuyền. Đề nghị đầu tư xây dựng, mở rộng các khu neo đậu tàu, thuyền rồi chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Bộ đội Biên phòng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đảm bảo an toàn khi có thiên tai xảy ra", ông Hưng đề nghị.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, nỗ lực trong công tác chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai trong năm 2022 góp phần quan trọng trong kết quả sản xuất nông nghiệp và tăng trưởng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Hiệp dẫn chứng mức độ cực đoan của thiên tai trong năm 2022 đã làm 175 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước khoảng 19.500 tỷ đồng, gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với cùng kỳ năm 2021. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, yếu tố cực đoan sẽ là thách thức trong phòng chống thiên tai năm 2023.

"Nếu các địa phương chủ động, làm tốt phương châm "4 tại chỗ" và "3 sẵn sàng" thì sẽ chủ động ứng phó với thiên tai, đây là vấn đề khó. "4 tại chỗ" là chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ và "3 sẵn sàng" là phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả", ông Hiệp nói và nhấn mạnh thêm, tần suất thiên tai không phải quá nhiều nhưng yếu tố cực đoan của các trận thiên tai là rất lớn. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị chức năng liên quan, các địa phương phải có kế hoạch ứng phó phù hợp, sát thực tế hơn nữa.

La Nina là hiện tượng bề mặt biển ở trung tâm và phía Đông xích đạo Thái Bình Dương lạnh đi so với bình thường, xảy ra cứ sau hai đến bảy năm. La Nina thường bắt đầu hình thành từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm, nhưng thời điểm gây ảnh hưởng mạnh nhất là vào cuối năm cho tới tháng 2 năm sau. Ở Đông Nam Á, nó thường gây ra lượng mưa trên mức trung bình và lũ lụt.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thiên tai năm 2022 'nuốt chửng' gần 20.000 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO