Quá trình hạ cánh của tàu tự hành được truyền trực tiếp trên kênh YouTube của cơ quan vũ trụ Mỹ NASA.
Tàu thám hiểm Perseverance được lắp 23 camera và hai micrô để truyền dữ liệu video và âm thanh HD trên sao Hỏa về. Hỗ trợ nghiên cứu là một chiếc máy bay không người lái bay trong bầu khí quyển Sao Hỏa có độ loãng gấp 100 lần so với khí quyển Trái đất.
Perseverance là thiết bị tự hành thứ 5 của NASA kể từ khi Mỹ bắt đầu thám hiểm sao Hỏa. Dự án phóng Perseverance đã tiêu tốn của NASA 2,4 tỉ USD.
Vào ngày 30/7/2020, tàu thăm dò này được phóng lên từ Mũi Canaveral bởi tên lửa Atlas 5 của Công ty United Launch Alliance (ULA), một liên doanh giữa hãng máy bay Boeing và Lockheed Martin. Vụ phóng cũng đánh dấu hành trình thứ 9 của NASA lên bề mặt sao Hỏa.
Rạng sáng 19/2, tàu Perseverance đã đáp xuống tại hố trũng Jezero rộng 45km. Mặc dù Jezero là điểm đến lý tưởng về mặt khoa học nhưng nó cũng đồng thời là điểm đáp nguy hiểm nhất cho một sứ mệnh sao Hỏa bởi khu vực này là những tảng đá lởm chởm khắp sa mạc, một hõm chảo ở phía tây nam và các đụn cát phía đông, một đồng bằng sông tuyệt đẹp với vách đá cao khoảng 76 m. Việc tàu Perseverance hạ cách thành công xuống khu vực này sẽ giúp làm sáng tỏ nhiều điều lý thú về Hành tinh Đỏ.